1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nồng độ CO2 trong khí quyển có thể đạt tới giá trị cao chưa từng thấy

(Dân trí) - Đó là kết luận từ nghiên cứu mới nhất trên tạp chí Nature Communications trong đó khẳng định nếu thế giới vẫn giữ tốc độ phát thải như hiện nay, nồng độ CO2 có thể sẽ đạt tới giá trị cao chưa từng thấy trong vòng 50 triệu năm vào cuối thế kỷ 21.

Nghiên cứu do TS Gavin Foster (ĐH Southamton, Anh) dẫn đầu đã cho thấy nồng độ khí CO2 có thể tăng từ mức 400 ppm như hiện nay lên đến mức hơn 900 ppm vào cuối thế kỷ này. Sau đó, nếu lượng phát thải các khí nhà kính tiếp tục không giảm, khí hậu Trái đất sẽ bước vào thời kỳ ấm lên chưa từng có trong vòng 420 triệu năm qua.

Kết luận này cho thấy mức độ ảnh hưởng tới khí hậu Trái đất từ các hoạt động của con người lớn và nhanh tới mức nào. Chỉ sau vài trăm năm có các hoạt động gây phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, khí hậu trên hành tinh đang trên đường tiến vào thời kỳ ấm chưa từng có tiền lệ so với sự ổn định trong khoảng vài triệu năm trước đó.

Nhóm nghiên cứu đã tập hợp các số liệu từ khoảng hơn 100 nghiên cứu để xây dựng dữ liệu liên tục về sự biến đổi của nồng độ CO2 trong khí quyển từ 420 triệu năm trở lại đây.

(nguồn: Kevin Frayer/Getty Images)

Khói từ nhà máy luyện thép sử dụng nhiệt điện than tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc)

Hiện nay nồng độ khí CO2 trong khí quyển khoảng 400 ppm - mức cao nhất trong lịch sử loài người - so với mức 280 ppm thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Nếu mức phát triển kinh tế vẫn giữ nguyên như nay, nồng độ CO2 được dự đoán sẽ vượt qua mức 2000 ppm vào năm 2250 - mức cao nhất trong vòng 200 triệu năm qua.

Nhưng với việc gia tăng bức xạ mặt trời trong tương lai, lượng CO2 có thể sẽ cao nhất trong vòng 420 triệu năm qua. Thậm chí một nghiên cứu khác đã dự đoán nếu loài người đốt hết các nguyên liệu hóa thạch trên Trái đất, khí CO2 có thể lên đến 5000 ppm vào năm 2400. Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cũng đã đưa ra những đánh giá của mình về nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm 9 độ C vào năm 2300 với kịch bản phát triển kinh tế như hiện nay. Tuy nhiên TS Foster cho rằng những đánh giá trên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự biến động của lớp phủ thực vật trên lục địa hay mức độ hấp thụ khí CO2 của đại dương trong những thế kỷ tiếp theo.

Kết quả nghiên cứu mới này cũng đã giúp giải thích một trong những nghịch lý trong lịch sử khí hậu của Trái đất chúng ta. Theo đó, bức xạ mặt trời hàng triệu năm về trước yếu hơn ngày nay. Theo thời gian, mặt trời ngày càng nóng hơn và sẽ tiếp tục nóng hơn trong trong tương lai (hàng triệu thậm chí là trong hàng tỷ năm nữa). Khi mặt trời trở nên nóng hơn, về lý thuyết khí hậu Trái đất cũng sẽ nóng lên theo nhưng những bằng chứng hóa thạch được tìm thấy lại chứng minh rằng khí hậu Trái đất giữ được sự ổn định trong hàng triệu năm qua trước khi con người bắt đầu đốt các nguyên liệu hóa thạch.

Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, sự ổn định đó đến từ sự suy giảm nồng độ khí CO2 trong khí quyển giúp làm giảm sự ấm lên từ bức xạ mặt trời. Điều này có nghĩa là có sự tăng-giảm nồng độ CO2 trong suốt chiều dài lịch sử của Trái đất và nồng độ CO2 trung bình đã giảm xuống cho đến khi cuộc Cách mạng công nghiệp bắt đầu. Tuy nhiên với các hoạt động của con người, nồng độ CO2 đã tăng trở lại và trên đường phá hàng loạt kỷ lục chưa từng có nếu như các nỗ lực giảm thiểu không được tiến hành một cách nghiêm túc.

TS Foster cũng nhấn mạnh công trình nghiên cứu này vẫn còn nhiều điểm cần bổ sung, "nhưng với những bằng chứng chúng ta đang có, tình trạng ấm lên của Trái đất trong tương lai chắc chắn sẽ là chưa từng có tiền lệ".

Huế Viên (Theo Washington Post)