1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nông dân sản xuất nước rửa chén từ cốt chanh nhờ công nghệ sinh học

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Đây là câu chuyện được ông Đặng Văn Hóa, đại diện hợp tác xã chanh Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An chia sẻ trong hội nghị ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp.

Nông dân sản xuất nước rửa chén từ cốt chanh nhờ công nghệ sinh học - 1

Các khách mời tham gia hội nghị (Ảnh: BTC).

Tại hội nghị "Khởi nghiệp Ứng dụng Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp" (diễn ra chiều 31/7, tại Trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay), nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận như vai trò công nghệ sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn, những khó khăn thách thức mà những người khởi nghiệp trong lĩnh vực này và giải pháp nào để việc ứng dụng công nghệ sinh học có thể phát triển hơn nữa...

Nông dân sản xuất nước rửa chén từ cốt chanh nhờ công nghệ sinh học - 2

Các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ sinh học để cải tạo giống chanh cho xã Nam Kim có năng suất và chống chịu tốt hơn (Ảnh: Ngọc Tú).

Ông Đặng Văn Hóa, đại diện hợp tác xã chanh Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, hợp tác xã chúng tôi đã phát triển các sản phẩm như nước rửa bát từ cốt chanh, tinh dầu từ vỏ quả chanh và tới đây sẽ nghiên cứu đưa hương liệu chanh vào nước giải khát.

Hiện tại, hợp tác xã có khoảng 12 công nhân làm việc, nguồn cung đến từ hơn 100 hộ gia đình trên địa bàn trồng cây chanh. Tuy nhiên, hợp tác xã vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề đầu ra, công nghệ và công thức sản phẩm".

Theo ông Hóa, trước đây khu vực trồng chanh tại địa phương, sau 3-5 năm cây sẽ cho ra năng suất kém, 60-70% quả bị ố vàng và chết. Các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ sinh học và tuyển chọn giống có năng suất cao, chống chịu tốt đưa về đây để trồng, cải tạo giống chanh xã Nam Kim.

Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng cho đất nước

Công nghệ sinh học đã mang lại những hiệu quả to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế,... đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ này để phát minh những phương pháp chữa bệnh mới cho vật nuôi, cây trồng hay tạo ra các loại giống cây có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phân bón thân thiện với môi trường, thuốc bảo vệ thực vật, vacxin vật nuôi… đóng góp cho nền kinh tế của đất nước. 

Trao đổi tại hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng khẳng định: "Công nghệ sinh học ra đời và phát triển nhanh như vũ bão, nó không chỉ dừng lại ở cơ chế nghiên cứu mà nhanh chóng được đưa vào ứng dụng trong sản xuất đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và đóng góp rất lớn vào nền kinh tế nước ta". 

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học mà nhiều công ty, hợp tác xã tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ các chuyên gia trong ngành đã tự nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường điển hình như nước rửa bát từ cốt chanh hoặc lá ổi, xà phòng hỗ trợ thu nhập và việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, quy mô đầu tư và phát triển các công ty, hợp tác xã còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết rộng lớn với thị trường. 

Nhiều khó khăn, thách thức

Nhiều bạn trẻ, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ kêu gọi nguồn vốn, thiếu sự hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu, đặc biệt vấn đề đầu ra các sản phẩm chủ yếu vẫn nằm trong quy mô địa phương. 

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đề xuất một số giải pháp để giải quyết vấn đề này trong đó, Việt Nam cần phải đầu tư những khu vực hạt nhân về công nghệ sinh học, có sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu để hỗ trợ các bạn trẻ, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học chế tạo ra nhiều sản phẩm, đưa ra các giải pháp hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Đồng thời, đây cũng được coi là khu vực trưng bày để người dân và doanh nghiệp có thể tham quan, trải nghiệm từ đó các công ty hay bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học có thể kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư.