Hà Tĩnh:
Nông dân gieo xuống đồng ruộng trên 120 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học mỗi năm
(Dân trí) - Dù gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, thậm chí tăng khả năng mắc bệnh ung thư, đột biến gen, tuy nhiên hiện mỗi năm nông dân Hà Tĩnh vẫn gieo xuống đồng ruộng trên 120 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân hóa học.
Theo ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh), dù đã được cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền hạn chế sử dụng, nhưng đến nay địa bàn vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và phân hóa học.
Theo ông Phong, trong số trên 120 nghìn tấn thuốc BVTV và phân hóa học được sử dụng tại Hà Tĩnh mỗi năm, có khoảng 220 tấn thuốc BVTV và 120.000 tấn phân hóa học; trong đó, có khoảng 81 tấn thuốc diệt cỏ, 65 tấn thuốc trừ sâu.
Thực trạng này khiến nhiều cơ quan chức năng và một bộ phận nhân dân không khỏi lo lắng.
Một cán bộ tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh này lo lắng, hóa chất BVTV tuy đem lại hiệu quả tức thời, nhanh chóng, nhưng lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, thậm chí tăng khả năng mắc bệnh ung thư, đột biến gen nếu sử dụng không đúng phương pháp, không theo khuyến cáo…
Vị này khuyến cáo, ở nước ta, hằng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất BVTV phải cấp cứu, trong đó có trên 300 trường hợp tử vong.
Theo tìm hiểu của Dân trí, lý do khiến thuốc BVTV và phân hóa học vẫn còn được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp xuất phát từ áp lực an ninh lương thực.
Việc chuyển từ nông nghiệp truyền thống (sử dụng thuốc BVTV và phân hóa học-PV) sang nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ồ ạt sẽ xảy ra rất nhiều bất cập như: chi phí tăng cao, năng suất nông sản sẽ giảm sâu, sẽ xảy ra nguy cơ thiếu lương thực.
Nguyên nhân là năng suất cây trồng, vật nuôi thấp hơn sản xuất truyền thống do không sử dụng phân bón hóa học; nguy cơ dịch bệnh cao hơn do không dùng thuốc BVTV, thuốc thú y.
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, NNHC Hà Tĩnh mới chỉ khởi đầu và vẫn còn nhiều lỗ hổng trong khâu quản lý, thực hiện và còn thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Hiện nay Hội Khoa học & Kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tĩnh đã xây dựng một số mô hình ứng dụng KH&CN sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bước đầu đạt hiệu quả.
Hội đang hi vọng thành công của những mô hình này sẽ góp sức lan tỏa, người dân sẽ thay thế dần phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất NNHC nhằm giảm bớt lệ thuộc vào thuốc BVTV, phân bón hóa học, tạo thêm các sản phẩm nông sản sạch, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Hà Phương