Những trường hợp rùng rợn về người tự bốc cháy

Phạm Hường

(Dân trí) - Cách giải thích khoa học phổ biến nhất cho hiện tượng con người tự bốc cháy được gọi là hiệu ứng bấc, trong đó con người giống như một ngọn nến.

Tháng 12/2010, một cụ ông 76 tuổi ở Ireland chết cháy trong phòng khách nhà mình. Gần một năm sau, một nhân viên điều tra đã chính thức kết luận rằng ông cụ chết do một hiện tượng kỳ lạ, đó là sự tự bốc cháy của con người.

Trong nhiều thế kỷ qua, người ta vẫn cho rằng hiện tượng này có liên quan đến việc cơ thể bất ngờ tự bốc cháy chứ không phải do nguyên nhân từ bên ngoài.

Ông Roger Byard, nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học Adelaide, Úc, cho biết các nhân viên điều tra thường có mặt tại hiện trường rất nhanh chóng, ngay khi chân tay của nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn nhưng thân và đầu đã cháy thành tro. Đồ đạc xung quanh gần như không bị hư hỏng gì.

Những trường hợp rùng rợn về người tự bốc cháy - 1

Tranh minh họa trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1895 của Charles Dickens "Ngôi nhà ảm đạm" mô tả việc phát hiện ra xác chết của Krook.

Nhưng nếu cơ thể con người tự bốc cháy là hiện tượng có thật thì vì sao nó không xảy ra nhiều hơn? Theo nhà nghiên cứu Byard thì chỉ có khoảng 200 báo cáo về những trường hợp như vậy trong gần 300 năm qua. "Sự thực là con người bốc cháy, nhưng không phải tự phát" - ông nói.

Vào thế kỷ XVII, một chuyên gia giải phẫu học người Đan Mạch đã mô tả trường hợp tự bốc cháy đầu tiên của con người. Đó là trường hợp xảy ra ở Ý vào khoảng cuối thế kỷ XIV, một hiệp sỹ tên là Polonus Vorstius đã uống rượu vào đêm trước ngày ông ta bốc cháy.

Nhà văn Charles Dickens cũng truyền thêm ngọn lửa của hiện tượng kỳ bí này trong cuốn tiểu thuyết ông viết vào năm 1853 có tên "Ngôi nhà ảm đạm". Trong câu chuyện này, nhân vật có tên Krook là một người nghiện rượu, vô tình bén lửa và bị chết cháy.

Các trường hợp khác xảy ra trong nhiều năm qua được nhiều người tin rằng do Chúa trời trừng phạt, do bệnh béo phì hoặc ruột đầy hơi.

Nhưng nhà nghiên cứu Byard nói rằng những thuyết đó không mang nhiều giá trị về mặt khoa học. Mặc dù quá trình bốc cháy của con người là có thể xảy ra và đúng đối với một số trường hợp, nhưng nếu cho rằng nó xảy ra một cách tự phát thì không đúng. "Không có bằng chứng nào cho thấy nó xảy ra như một quá trình tự bốc cháy." - ông nói.

Trên thực tế, mọi trường hợp đều liên quan đến một ngọn lửa bên ngoài, ông nói thêm, thủ phạm phổ biến nhất là thuốc lá, đèn dầu hoặc nến.

Cách giải thích khoa học phổ biến nhất cho hiện tượng con người tự bốc cháy được gọi là hiệu ứng bấc, trong đó con người giống như một ngọn nến.

Năm 1998, trong một chương trình truyền hình của đài BBC, các nhà khoa học ở Anh đã tái tạo lại những điều kiện tương tự với mẫu vật thí nghiệm là một con lợn đã chết. Họ quấn con lợn trong một chiếc chăn trước khi đốt. Chân của nó không bị cháy hết - chính xác như nhiều báo cáo mô tả về các trường hợp con người tự bốc cháy.

Lý thuyết bấc cho thấy chất béo giống như nguồn nhiên liệu và cơ thể con người có khả năng cháy do chứa nhiều chất béo. Chăn quấn, quần áo có tác dụng giống như ngọn bấc của cây nến.

Nhà nghiên cứu Byard nói rằng chúng ta hãy hình dung khi một người quấn chăn, uống nhiều rượu thì cơ bản giống như chất xúc tác đối với xăng dầu. Và chỉ cần người đó đánh rơi một điếu thuốc lá vào bể chứa đầy cồn đó thì sẽ như mồi lửa gây ra đám cháy, chỉ khác là mỡ trong cơ thể con người có thể cháy âm ỷ ở nhiệt độ thấp.

Vì chân và tay có ít mỡ nên những bộ phận này không cung cấp đủ nhiên liệu cho toàn bộ quá trình đốt cháy hoàn toàn.

"Người ta vẫn tin vào những chuyện ly kỳ, nhưng cơ chế cơ bản để cháy thì đơn giản hơn rất nhiều so với sự can thiệp của yếu tố thần kỳ." - ông nói.