Những thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất trong lịch sử
(Dân trí) - Bên cạnh những thí nghiệm đột phá, mang tính cách mạng, cũng có rất nhiều thí nghiệm khoa học kỳ lạ, khiến bạn tự hỏi rằng mục đích thật sự của chúng là gì.
Thí nghiệm nhà tù Stanford
Thí nghiệm nhà tù Stanford là một thí nghiệm tâm lý học xã hội, được tiến hành năm 1971. Tại đây, một nhóm học sinh đóng giả làm tù nhân, với nhóm còn lại là cai ngục.
Thí nghiệm kỳ quái này được cho là nhằm khảo sát những tác động tâm lý của cảm nhận quyền lực, tập trung vào cuộc đấu tranh giữa tù nhân và người quản giáo.
Trong khi các cai ngục thể hiện sự yêu thích quyền lực của họ, các tù nhân ngày càng trở nên bồn chồn, thậm chí nổi loạn. Một số quản giáo thậm chí đã thi hành những biện pháp độc đoán và tra tấn tâm lý đối với một số tù nhân, khiến các nhân viên pháp luật phải can thiệp.
Sau cùng, những phát hiện của thí nghiệm đã đặt ra nhiều nghi vấn, và bản thân thí nghiệm đã bị chỉ trích vì phương pháp luận thiếu khoa học.
Nghiên cứu treo cổ
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, nhà khoa học pháp y Nicolas Minovici từng tiến hành một trong những nghiên cứu khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, khi yêu cầu các trợ lý treo cổ ông, cũng như những người khác để xem điều gì xảy ra khi ai đó chết do treo cổ.
Ông đặt thòng lọng quanh cổ, rồi ra hiệu lệnh cho các trợ lý kéo đầu bên kia của sợi dây bằng tất cả sức mạnh của họ. Kết quả là sợi dây bị kéo căng, nâng vị giáo sư liều lĩnh khỏi mặt đất vài mét.
Trong những lần thử nghiệm, ông từng ngạt thở, bất tỉnh và chịu chấn thương ở vùng cổ do đánh giá sai tình huống. Nhưng ông vẫn may mắn sống sót.
Kết quả đề tài của ông gồm 200 trang đã được công bố vào năm 1904 ở Romania dưới tiêu đề Nghiên cứu về treo cổ. Trong đó mô tả chi tiết tất cả các quá trình và các hiện tượng liên quan xảy ra của cái chết của người treo cổ. Nhiều thông tin của nghiên cứu đã được trích dẫn trong các công trình pháp lý quan trọng.
Nghiên cứu đóng đinh
Tương tự như nghiên cứu treo cổ nhưng khủng khiếp hơn, đó là nghiên cứu đóng đinh của nhà bệnh học Frederick Zugibe. Thí nghiệm này kỳ thực đã thu hút được một số lượng lớn tình nguyện viên tham gia, với mong muốn cảm nhận được việc trở thành Chúa Giê-su (lúc bị đóng đinh lên cây cột).
Thí nghiệm một năm trên giường
Năm 1986, nhà du hành vũ trụ Boris Morukov đã thực hiện một thí nghiệm bao gồm yêu cầu 11 người khỏe mạnh nằm trên giường suốt 370 ngày mà được phép đứng dậy. Tại đó, mọi đối tượng phải giữ nguyên tư thế ngủ và thực hiện tất cả các hoạt động hàng ngày của họ, bao gồm ăn uống, xem TV hoặc tắm rửa, ở cùng một vị trí.
Rốt cuộc, không một ai vượt qua được thí nghiệm tưởng như vô cùng dễ dàng này. Về mặt thể chất, hầu hết các cơ và xương của con người sẽ bị phá vỡ trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Cơ thể bên ngoài cũng sẽ chịu những vết loét khó chịu, được gọi là vết loét trên giường.
Bên cạnh đó, sức khỏe tinh thần cũng sẽ bị ảnh hưởng, với nguy cơ gia tăng chứng lo lắng và trầm cảm.
Lao mình ra khỏi máy bay
Năm 1946, một số thí nghiệm dưới dạng bài kiểm tra sức chịu đựng của con người đã được thực hiện tại căn cứ không quân Wright Field, Mỹ. Trong đó, một thí nghiệm yêu cầu phi công rời khỏi máy bay phản lực siêu thanh khi đang bay ở tốc độ cao.
Paul Stapp là người tình nguyện cho những thí nghiệm này. Trong suốt 7 năm, ông đã thực hiện chúng tổng cộng 29 lần, với việc bị đẩy ra khỏi máy bay với tốc độ lên tới 322 km/h.
Các thí nghiệm góp phần giúp quân đội Mỹ thiết kế ghế phóng an toàn hơn cho các phi công trong trường hợp thoát khỏi máy bay ở tốc độ cao.