Rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân ở Mỹ nghiêm trọng tới mức độ nào?

Minh Khôi

(Dân trí) - 1,5 triệu lít nước nhiễm phóng xạ bị rò rỉ từ nhà máy hạt nhân Xcel Energy, Mỹ.

Rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân ở Mỹ nghiêm trọng tới mức độ nào? - 1

Các tòa nhà tại Nhà máy phát điện hạt nhân Monticello (Ảnh: NRC).

Mới đây, Monticello - một cơ sở nhà máy hạt nhân gần thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ cho biết một số khu vực thuộc nhà máy đã bị rò rỉ nước thải có chứa phóng xạ tritium từ tháng 11 năm ngoái.

Trong thông báo phát đi hôm 16/3, đơn vị điều hành nhà máy không cho biết lý do tại sao phải đợi hơn 3 tháng để thừa nhận vụ việc trước công chúng. Họ cũng lưu ý rằng rò rỉ phóng xạ chỉ được phát hiện ở khu vực bên trong nhà máy.

"Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và đang nỗ lực giải quyết tình hình một cách an toàn", Chris Clark, Chủ tịch Xcel Energy - công ty quản lý nhà máy, chia sẻ. "Cần lưu ý rằng, sự cố không gây rủi ro cho cộng đồng hoặc môi trường".

Theo Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm Minnesota, khoảng 400.000 gallon nước (tương đương 1,5 triệu lít) chứa tritium đã bị rò rỉ tại địa điểm nêu trên. Tính đến nay, những nỗ lực từ các đơn vị chuyên trách đã giúp thu hồi được khoảng 25% lượng tritium xả thải, và quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt cả năm.

Rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân ở Mỹ nghiêm trọng tới mức độ nào? - 2

Thảm họa phóng xạ 1986 từng biến Chernobyl thành "vùng đất chết" (Ảnh: Getty).

Được biết, tritium - một đồng vị phóng xạ của hydro, là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất điện tại các nhà máy hạt nhân. Nó cũng có thể sinh ra một cách tự nhiên trong môi trường.

Trong quá khứ, Mỹ đã từng hứng chịu một trong những tai nạn hạt nhân lớn trong lịch sử. Đó là sự cố tan chảy lò phản ứng Three Mile Island ở Pennsylvania vào ngày 28/3/1979.

Vụ việc cũng khiến chúng ta nhớ lại thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cách đây 37 năm.

Theo các báo cáo khoa học, Chernobyl cho đến nay vẫn ghi nhận gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong và giảm tuổi thọ của con người và quần thể động vật. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều khối u và khiếm khuyết hệ miễn dịch, rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp, và tình trạng lão hóa sớm.

Không chỉ động vật, mà cả hệ thực vật ở Chernobyl cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. 35 năm thảm họa, đất đai, cây cối vẫn bị ô nhiễm bởi bức xạ.

Dẫu vậy, theo Ủy ban điều tiết hạt nhân (NRC), tritium phát ra một dạng bức xạ beta yếu, không truyền đi xa và cũng không thể xuyên qua da người. Bên cạnh đó, một người uống nước bị nhiễm chất phóng xạ này sẽ chỉ hấp thụ được một lượng nhỏ.