Những thành tựu khoa học mang tính đột phá hứa hẹn sẽ xuất hiện trong năm 2018
(Dân trí) - Theo dự kiến trong năm 2018, nhiều dự án, phát minh mang tính đột phá sẽ được trình làng. Có thể kể đến như: sự kiện con người quay trở lại mặt trăng sau hàng thập kỷ, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào lĩnh vực y học, hay đặc biệt là hoàn thiện đôi mắt sinh học giúp người mù lấy lại được thị lực.
Theo như các tuyên bố trước đây, vào năm 2018 này, SpaceX (hãng hàng không vũ trụ của tỷ phú Elon Musk) sẽ triển khai tour du lịch ngoài không gian đầu tiên trên thế giới. Được biết, đích đến của chuyến đi chính là mặt trăng. Tham gia vào chuyến du hành đặc biệt này là 2 tỷ phú đã vượt qua các bài kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt, đương nhiên là kèm theo khoản tiền vé khổng lồ.
Trong lịch trình của chuyến đi, con tàu vũ trụ mang tên Dragon 2 sẽ đưa phi hành đoàn rời khỏi trái đất để bay vào quỹ đạo, sau đó “lượn” xung quanh mặt trăng rồi quay về. Nếu chuyến đi này trở thành hiện thực, thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1972, vệ tinh tự nhiên của trái đất lại được con người ghé thăm.
Công nghệ thực tế ảo (VR) hiện đang tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu. Theo các nhà khoa học, tiềm năng ứng dụng của công nghệ này là rất lớn. Trên thực tế, không chỉ dừng lại ở mục đích giải trí, trong năm nay, VR sẽ được ứng dụng trong việc chữa trị cho các bệnh nhân bị tổn thương hệ thần kinh, tại nhiều hệ thống bệnh viện lớn của thế giới.
Bên cạnh đó, các trò chơi thực tế ảo cũng sẽ được sử dụng như một liệu pháp giúp người bệnh giảm đau, bởi một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân có thể giảm đến 24% cơn đau khi tham gia vào các trò chơi VR ở một cường độ hợp lý.
Để đối phó với quá trình nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giải pháp. Có thể kể đến như: tưới nước cho sa mạc để trồng cây; cung cấp chất dinh dưỡng cho đại dương để kích thích sự phát triển của loài tảo (nguồn cung cấp oxy lớn hàng đầu của trái đất); chế tạo một tấm gương khổng lồ để phản chiếu ánh sáng mặt trời ngược lại vũ trụ, giúp góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp kể trên đều đã bị bác bỏ vì quá nguy hiểm hoặc không khả thi. Dẫu vậy, trong năm 2018 này, chúng ta vẫn có thể mong chờ kết quả khả quan từ một ý tưởng mới của các giáo sư ở đại học Harvard.
Theo đó, một quả bóng bay khổng lồ sẽ được thả lên không trung, khi đạt đến độ cao phù hợp, nó sẽ phun ra một hỗn hợp gồm SO2 và CaCO3, với mục đích tạo lớp màng bảo vệ ở thượng tầng khí quyển nhằm giảm thiểu bớt lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất. Được biết, nếu dự án này chứng minh được tính hiệu quả của mình, nó sẽ được đi sâu vào nghiên cứu để triển khai trên diện rộng với sự hỗ trợ của máy bay.
Trong thời gian qua, con người đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc chế tạo các cơ quan, bộ phận nhân tạo hỗ trợ cho người khuyết tật. Bên cạnh tay, chân, thanh quản giả, máy trợ thính, trong năm 2018 này, niềm vui sẽ đến với những người khiếm thị khi một thiết bị có tên mắt sinh học sắp sửa được chính thức bán ra thị trường.
Được biết, đôi mắt nhân tạo này đã được thử nghiệm nhiều năm trước đó và cho kết quả rất khả quan. Cụ thể, với khả năng truyền tín hiệu hình ảnh đến bộ não, mắt sinh học cho phép người khiếm thị có thể quan sát thế giới xung quanh, dù chỉ ở mức độ nhận biết được vật thể. Giới chuyên gia dự đoán rằng, tương lai con người chế tạo thành công đôi mắt nhân tạo, giúp đem lại tầm nhìn không thua kém gì “hàng thật” sẽ không còn xa.
Người đàn ông khiếm thị lại có cơ hội nhìn thế giới nhờ "mắt sinh học"
Thảo Vy
Theo BS