1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Những sự thật về loài rắn hổ mang phun nọc độc

(Dân trí) - Ở một vài loại rắn độc, hạch nước miếng sản xuất ra chất độc để giết chết con mồi. Đó là nọc rắn. Có loại rắn nọc độc mạnh đến nỗi có thể làm chết cả con voi. Các loại khác có nọc độc nhẹ hơn, chỉ giết được thằn lằn, rắn mối. Trong số 412 loại rắn chỉ có 200 loài rắn độc gây nguy hại cho con người, trong đó đáng chú ý nhất là rắn hổ mang.

Rắn hổ mang phì độc đã phun nọc độc như thế nào?

Những sự thật về loài rắn hổ mang phun nọc độc - 1

Khi bạn nhổ nước bọt, bạn thường dồn nước bọt lại trong mồm, cuộn lưỡi vào, nín thở, nghiêng đầu và sau đó mới phun cả không khí và nước bọt ra khỏi miệng cùng một lúc. Khi một con rắn hổ mang phì độc phun nọc độc ra, nó chỉ đơn giản phải ép tuyến nọc độc để đẩy nọc độc vào răng nanh và ra khỏi lỗ hướng về đằng trước. Tất cả các loài rắn độc đều có thể làm như vậy, tuy nhiên, sự khác biệt là răng nanh của các loài rắn hổ mang phun nọc có lỗ lớn hơn, và hướng theo một góc nhất định, vì vậy, thay vì đơn giả là nọc độc chảy ra khi cắn, thì nó thực sự được phun ra. Một con rắn hổ mang phun nọc có thể phun nọc độc ở khoảng cách từ 1,8 – 2,4m với tốc độ tia chớp, vì vậy, thậm chí bạn còn không biết thứ gì đã lao vào mình – cho đến khi quá muộn.

Tại sao chúng lại phun nọc độc?

Giống như loài rắn đuôi chuông chỉ rung đuôi khi cảm thấy nguy hiểm, rắn hổ mang phì độc chỉ phun nọc độc để tự vệ - cơ chế tự vệ này là một bản năng có nguồn gốc rất sâu xa. Các loài rắn hổ mang phì độc có thể phun nọc độc ngay lập tức sau khi trứng nở, và một số còn có thể phun nọc độc cả sau khi đã chết.

Theo ông Ferri - chủ nhiệm Hiệp hội vườn thú và thủy sinh của Mỹ - “các con rắn hổ mang phì độc sẽ phun nọc độc vào những thứ lớn hơn nó, và ăn những con nhỏ hơn”.

Có lẽ bạn đang tự hỏi việc phun nọc bảo vệ con rắn như thế nào? Chắn chắn là nó rất ghê tởm, nhưng có nguy hiểm không?

Đầu tiên, bạn đừng quên thứ mà chúng phun ra thực sự có độc. Thứ hai là, khi phun nọc độc, chúng luôn nhắm vào mắt – một cơ quan cực kỳ dễ bị tổn thương. Thứ ba là, các nghiên cứu cho thấy rắn hổ mang phun trúng mục tiêu của chúng ít nhất là 8/10 lần – một mức độ chính xác chết người. Riêng loài rắn hổ mang phun độc Mozambique thì phun trúng mục tiêu tất cả cả lần.

Một khi nọc độc này dính vào mắt, bạn sẽ cảm thấy đau và buộc phải rút lui. Nếu không chữa trị, nạn nhân có thể sẽ bị mù. Đó là sức mạnh của một con rắn hổ mang phun nọc. Trong trường hợp này, huyết thanh kháng độc sẽ không có hiệu quả. Điều tốt nhất phải làm là nhanh chóng rửa mắt để loại bỏ chất độc, và sau đó tới bác sĩ để được nhỏ thuốc kháng sinh.

Điều gì khiến cho nọc độc của chúng đáng sợ như vậy? Nó thường chứa một hợp chất gồm các độc tố thần kinh và cytotoxin – những chất có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào. Nọc độc của rắn hổ mang phun độc không có hại trên da của con người, nhưng nếu tiếp xúc với mắt, lỗ mũi hoặc các vết xước trên da, nó có thể gây ra nguy hiểm rất nghiêm trọng.

Các loại rắn hổ mang phun nọc có cắn không?

Chúng đều có răng, vì vậy chúng cũng có thể cắn. Bên cạnh đó, chúng cũng cần phải ăn nữa, và phun nọc độc không phải là một phương pháp săn mồi hay ho.

Rắn hổ mang phun độc ăn gì?

Chế độ ăn của chúng không khác nhiều so với các loại rắn khác. Thực đơn gồm có ếch và cóc, thằn lằn, chim, trứng chim, gà, các loại chuột, các loại rắn khác và cả côn trùng.

Có thể tìm thấy chúng ở những đâu?

Rắn hổ mang phun nọc chủ yếu được tìm thấy ở miền nam châu Phi, Đông Nam Á. Ở nam Phi, chúng thường được thấy ở các đồng cỏ và khu vực bán sa mạc khô cằn. Ở Đông Nam Á, chúng thường được thấy trong các khu rừng, ruộng, đồng cỏ và thậm chí là ở gần khu định cư của con người.

Anh Thư (Tổng hợp)