Những sự thật khoa học cực kỳ thú vị khiến bạn ngỡ ngàng (Phần 2)
(Dân trí) - Cùng tìm hiểu các sự thật thú vị của những thứ xung quanh chúng ta mà có thể bạn chưa biết.
Gấu Bắc cực gần như không thể bị phát hiện bởi camera đo thân nhiệt
Nhờ vào tia hồng ngoại, camera đo nhiệt có thể đo được nhiệt độ của các đối tượng, nhưng gấu Bắc cực lại là chuyên gia giữ nhiệt. Những chú gấu giữ ấm bằng một lớp mỡ dày dưới da, hơn nữa còn có một lớp lông dày giúp chúng có thể chịu đựng những ngày lạnh giá nhất ở Bắc cực. Do đó, gấu Bắc cực gần như khó có thể bị phát hiện bởi camera đo thân nhiệt.
Mất 8 phút 19 giây để ánh sáng truyền từ mặt trời đến trái đất
Trong không gian, ánh sáng di chuyển với vận tốc 300.000km/s. Với tốc độ chóng mặt này, nó đã đi hết khoảng cách gần 150 triệu km giữa mặt trời và chúng ta trong 8 phút 19 giây. Tuy nhiên, thời gian này vẫn là quá ít nếu so với khoảng thời gian 5 tiếng rưỡi để ánh sáng đi từ mặt trời tới sao Diêm Vương.
Axit trong dạ dày đủ mạnh để phân hủy cả inox
Dạ dày của bạn tiêu hóa thức ăn nhờ axit clohydric có tính ăn mòn cao với độ pH từ 2 đến 3. Axit này có nồng độ cao đến nỗi có thể phân hủy được cả inox. Nó cũng đồng thời tấn công niêm mạc dạ dày, do vậy, lớp niêm mạc dạ dày tự bảo vệ bằng cách tiết ra dung dịch kiềm bicarbonate. Lớp niêm mạc cần được thay liên tục, và hoàn toàn tự thay mới trong vòng 4 ngày.
Trái đất là một nam châm khổng lồ
Lõi bên trong Trái đất là một khối cầu đặc bằng sắt được bao quanh bởi sắt lỏng. Sự thay đổi nhiệt độ và mật độ tạo ra dòng điện dòng điện. Được tạo ra bởi vòng quay Trái đất, những dòng điện này kết hợp với nhau tạo ra một từ trường, điều này làm trái đất được xem như một nam châm khổng lồ. Chính la bàn đã tận dụng tính chất này để sử dụng cho việc xác định phương hướng.
Sao Kim là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời quay theo chiều kim đồng hồ
Hệ Mặt trời của chúng ta ban đầu như một đám mây bụi và khí xoáy, cuối cùng thu lại thành một chiếc đĩa quay với Mặt trời ở trung tâm. Do nguồn gốc chung này, tất cả các hành tinh đều chuyển động quanh mặt trời theo cùng một hướng và gần như trên cùng một mặt phẳng. Chúng cũng cùng tự quay theo cùng một hướng (ngược chiều kim đồng hồ khi quan sát từ phía trên, tức quay từ tây sang đông) - ngoại trừ sao Kim và sao Thiên Vương.
Trong khi sao Thiên Vương có trục tự quay và gần như quay song song với mặt phẳng quỹ đạo, thì sao Kim lại quay theo chiều kim đồng hồ (quay từ đông sang tây). Nguyên nhân rất có thể do trong giai đoạn hình thành hệ mặt trời, các tiểu hành tinh khổng lồ đã va chạm vào sao Thiên Vương vào sao Kim, làm lệch trục quay của chúng.
Một con bọ chét có thể tăng tốc nhanh hơn cả Tàu con thoi
Một con bọ chét khi bật nhảy có thể đạt độ cao khoảng 8cm trong 1/1000s. Gia tốc là sự thay đổi tốc độ của một vật theo thời gian, thường được đo bằng lực g, trong đó 1g bằng gia tốc gây ra bởi lực hấp dẫn trên Trái đất (9,8m/s2). Bọ chét có gia tốc 100g, trong khi Tàu con thoi đạt đỉnh chỉ khoảng 5g.
Bí mật cú nhảy của bọ chét đó là một loại protein giống như cao su co giãn từ trong ngực, cho phép nó tích trữ và giải phóng năng lượng như một chiếc lò xo.
Về kích thước, một con bọ chét dài chưa đầy 1,5mm, nhưng chỉ một cú nhảy có thể giúp nó tiến xa hơn 30cm hãy nhảy cao tối đa đến 19cm. Nếu so với tỷ lệ kích thước của con người, điều này cũng tương đương với việc bạn có thể bật nhảy lên tòa nhà cao 65 tầng.