Những sản phẩm sáng tạo mới lần đầu được giới thiệu trong ngày hội Toán học mở 2018
(Dân trí) - Bên cạnh các phần hoạt động chuyên môn có sự tham gia của nhiều diễn giả nổi tiếng, chương trình ngày hội Toán học mở 2018 còn giới thiệu những sáng tạo độc đáo và các hoạt động trải nghiệm thực tế hữu ích với toán học.
Sáng 4/11, tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã diễn ra chuỗi các hoạt động về Toán nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, những người yêu khoa học nói chung cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của Toán học, cùng nhau trải nghiệm và giao lưu văn hóa Toán từ những góc nhìn mới.
PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết, tiếp nối thành công của Ngày hội Toán học mở 3 mùa trước, Ngày hội Toán học mở 2018 vẫn mang phong cách “chơi mà học, học mà chơi” đặc trưng với các hoạt động đã trở thành “thương hiệu”, nhưng MOD 2018 năm nay cũng sẽ có nhiều thay đổi mới, hấp dẫn hơn so với những năm trước đó.
Khác với những lần trước, năm nay Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cùng phối hợp tổ chức MOD 2018 với Trường THPT Chuyên Hà nội - Amsterdam, với mong muốn mang Toán học trở nên gần gũi hơn với lứa tuổi học sinh phổ thông. Đây cũng là dịp để các bạn học sinh, phụ huynh được đến thăm, làm quen với ngôi trường nổi tiếng này. Điều này là một yếu tố rất quan trọng đã mang đến một không gian tuyệt vời cho Ngày hội Toán học năm nay.
Bên cạnh đó, Ngày hội Toán học mở năm nay vẫn có sự tham gia của các đơn vị giáo dục toán học và khoa học có uy tín nhất như Học viện sáng tạo S3, Trung tâm toán tư duy POMATH, UberMath, Nhóm toán tin MaSSP, Học viện phát triển tư duy và kỹ năng IEG, Câu lạc bộ học Toán cùng Jenny...
Một điều đặc biệt thú vị là các hoạt động trải nghiệm của học sinh các trường phổ thông, trong đó có cả các trường THPT chuyên và quốc tế như: Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường PT Liên cấp Olympia, Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, Trường THPT Chuyên Hưng Yên, Trường THPT Khoa học Giáo dục- Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN, Trường THPT Hồ Xuân Hương - Hệ thống giáo dục H.A.S. Một số đơn vị công nghệ và các trường đại học như Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, Trung tâm Toán - Khoa học Tiếng Anh GMaths, Kidscode, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng tham gia.
Với việc tham gia đông đảo của các trường THPT đặc biệt là các trường quốc tế, các trường đại học, đơn vị công nghệ tham dự Ngày hội Toán học mở 2018 đã chứng minh được nhu cầu, vai trò cũng như tầm quan trọng của Toán học và ứng dụng của Toán học trong thế giới hiện đại. Các hoạt động trải nghiệm không chỉ về Toán học mà còn ứng dụng của Toán trong khoa học, kỹ thuật, STEM nói chung.
Ngày hội Toán học mở năm nay cũng mang đến cho những người yêu khoa học chùm bài giảng đại chúng “Toán học không xa cách” về những chủ đề đang được quan tâm nhất hiện nay là “Bảo mật thông tin trong thời đại số” của GS. Phan Dương Hiệu, “Vật lý thiên văn tính toán - từ hố đen siêu nặng trong nhân thiên hà đến sự hình thành của hệ hành tinh” của PGS. Đinh Văn Trung, và “AI nào cho Việt Nam” của GS. Hồ Tú Bảo.
Tại cuộc tọa đàm “Việt Nam - Từ AK đến AI”, công chúng cũng được nghe những chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, những nhà hoạch định chính sách, những gương mặt trẻ trong làng công nghệ cùng bàn luận về vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tương lai của Việt Nam sau này.
Ngoài ra, các bạn học sinh phổ thông đầy háo hức khi tham quan triển lãm “Những ô cửa Toán học” và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm toán học và khoa học “Trong xứ sở Toán học diệu kỳ”. Điều thú vị nhất là các bạn trẻ được trực tiếp thực hành in các mô hình bằng máy in 3D do Kidcode giới thiệu.
Trong khuôn khổ ngày hội Toán học mở 2018, các em học sinh có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ mới đến từ nhiều đơn vị khác nhau. Đơn cử như mô hình vệ tinh do kỹ sư Việt Nam tự chế tạo là MicroDragon và NanoDragon. Trong đó, mẫu NanoDragon đang trong quá trình thử nghiệm và dự kiến sẽ phóng lên quỹ đạo vào năm 2020 có kích thước 10 x 10 x 34,05 cm và nặng 4-6 kg.
Cũng xuất hiện mẫu mô hình tại ngày hội Toán học mở 2018, mô hình vệ tinh microDragon được giới thiệu là vệ tinh lớn nhất có kích thước 50 x 50 x 50 cm và khối lượng 50 kg. Vệ tinh này được phát triển để theo dõi chất lượng nước ven biển, phục vụ cho ngành nuôi hải sản. Dự kiến, nó sẽ được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2018. Hai vệ tinh MicroDragon và NanoDragon đều được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như cơ chế điều khiển 3 trục, cảm biến mặt trời, cảm biến từ trường, cảm biến gyro quang, bộ thu GPS.
Trong ảnh là mẫu robot UET R01 được giới thiệu tại ngày hội Toán học mở 2018. Robot này là loại robot di động được nhóm sinh viên năm 4, trường Đại học Công nghệ thiết kế, chế tạo tại Phòng thí nghiệm Điều khiển tự động và Robotic. UET - 01 sử dụng bộ điều khiển Aduino Nano, có khả năng thay đổi hướng chuyển động theo hướng tùy ý mà không cần thực hiện các động tác xoay, có thể kết nối, điều khiển từ điện thoại thông minh qua Bluetooth, có khả năng tự tránh vật cản nhờ sử dụng 3 cảm biến siêu âm.
Mẫu máy in 3D độc đáo thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các em học sinh.
Đây là hệ thống thu rác thông minh của nhóm sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội giúp thu gom rác của các hộ gia đình tiện lợi hơn rất nhiều.
Còn đây là mô hình hệ thống xử lý nước thông minh hữu ích cho các khu nuôi lồng bè. Hệ thống này sẽ giúp phân tích, phát hiện những bất thường trong nước để đưa ra các phương án xử lý kịp thời.
Những robot sáng tạo của chính các em học sinh sau khóa học STEM cũng được mang đến giới thiệu tới các em học sinh.
Bên cạnh đó, trong ngày hội Toán học mở 2018, các em học sinh cũng được trải nghiệm những thí nghiệm khoa học thú vị .
Rất nhiều những trò chơi sáng tạo liên quan đến Toán học được giới thiệu trong ngày hội Toán học mở 2018.
Ngày hội Toán học mở 2018 đã tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, các nhà toán học và những nhà giáo dục tới từ nhiều tỉnh thành có những dịp cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của Toán học, cùng nhau trải nghiệm và giao lưu văn hóa Toán từ những góc độ mới, tích cực.
Nguyễn Hùng - Đăng Khôi