Những phát hiện khoa học tình cờ làm thay đổi lịch sử nhân loại (Phần 1)

(Dân trí) - Trên thực tế, có không ít những phát hiện tình cờ, lại là nguồn gốc của các phát minh, ý tưởng lớn làm thay đổi lịch sử nhân loại. Trong phần đầu tiên này, hãy cùng tìm hiểu “sự tích” đầy thú vị về “Bê tông cốt thép”, “Giải Nobel” và “Kính an toàn cho xe hơi”.

Những phát hiện khoa học tình cờ làm thay đổi lịch sử nhân loại (Phần 1) - 1

Ít ai ngờ rằng, không phải kỹ sư xây dựng hay nhà vật lý học nào đó, mà chính một nông dân đã là người tiên phong đưa kết cấu bê tông cốt thép vào sử dụng trong cuộc sống.

Quay ngược lại thời gian vào khoảng thế kỷ 19, Joseph Monier, một nông dân người Pháp, đã thử tìm cách gia cố cho những chậu trồng cam của mình, để chúng không bị vỡ trong quá trình tách bầu cây ra khỏi chậu. Qua nhiều thử nghiệm, ông đã tìm ra được kết cấu chắc chắn và hiệu quả nhất, đó là sử dụng các tấm lưới thép để gia cố phần lõi cho chậu hoa. Không lâu sau đó, vào năm 1867, phát minh của Joseph Monier đã được biết đến rộng rãi, khi ông quảng cáo về những chiếc chậu cây “siêu chắc” của mình tại một triển lãm ở Paris. Từ thành công bước đầu này, Monier đã tiếp tục phát minh ra kết cấu bê tông cốt thép cho lĩnh vực xây dựng, mà chúng ta vẫn biết tới ngày hôm nay.

Những phát hiện khoa học tình cờ làm thay đổi lịch sử nhân loại (Phần 1) - 2

Nguồn gốc của giải thưởng Nobel danh giá cũng hết sức thú vị. Sự việc được bắt đầu khi cha đẻ của giải thưởng này là Alfred Nobel đọc được bản tin Cáo Phó của chính mình, trên một tờ báo Pháp. Bản tin này có tựa đề “The Merchant of Death is Dead” (Tạm dịch: Người buôn bán cái chết đã qua đời. Sở dĩ có một tiêu đề kỳ lạ như vậy là bởi vào thời điểm bấy giờ, Alfred Nobel đang là ông vua của nền công nghiệp sản xuất thuốc nổ Dynamite. Tuy nhiên, sự xuất hiện của bản tin Cáo Phó này lại là một nhầm lẫn của tòa soạn, bởi người qua đời chính là Ludvig Nobel anh trai của Alfred Nobel.

Dẫu vậy, tiêu đề của bản tin đã có một sự tác động mạnh mẽ đến Alfred Nobel, bởi ông không hề muốn rằng, mình sẽ bị mọi người gọi là “Người buôn bán cái chết” khi qua đời. Không lâu sau đó, nhà khoa học này đã quyết định dành khối tài sản khổng lồ mà mình kiếm được để làm thành một quỹ phần thưởng, trao tặng cho những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc nhất, trên các lĩnh vực, vì mục đích phục vụ cho nhân loại. Và đó chính là giải Nobel- giải thưởng khoa học danh giá nhất thế giới.

Những phát hiện khoa học tình cờ làm thay đổi lịch sử nhân loại (Phần 1) - 3

Vào năm 1903, một nhà khoa học người Pháp có tên là Edward Benedictus, trong khi đang cố lấy một bình đựng hóa chất ở trên giá cao, đã làm nó rơi xuống sàn nhà. Điều đáng ngạc nhiên là thay vì bị vỡ nát như những món đồ thủy tinh thông thường, chiếc bình này chỉ bị nứt, vỡ một số vị trí và vẫn gần như giữ được hình dáng ban đầu.

Sau khi tìm hiểu, Edward Benedictus phát hiện ra rằng, bên trong chiếc lọ này còn chứa một ít cellulose nitrate. Sau khi bị khô lại, nó đã gia cố thêm cho chiếc bình từ bên trong. Cùng thời gian đó, những vụ tai nạn ô tô làm vỡ kính xe gây nên thương tích nghiên trọng cho con người, lại đang rộ lên thành một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Sau khám phá tình cờ với chiếc bình vỡ, Benedictus đã bắt đầu tiến hành hàng loạt thử nghiệm và cuối cùng phát minh ra được loại kính an toàn chuyên dành cho xe hơi.

Về kết cấu, tấm kính này sẽ gồm hai lớp kính gắn lại với nhau, giữa chúng chính là một lớp cellulose nitrate. Khi được gia nhiệt, hóa chất này sẽ tan chảy và dính chặt hai lớp kính lại thành một. Nguyên mẫu này được Benedictus gọi là “Kính Ba Lớp”. Năm 1919, những tấm Kính Ba Lớp bắt đầu được Henry Ford lắp đặt cho các mẫu xe của mình. Cho đến ngày hôm nay, những tấm kính thông dụng dành cho ô tô vẫn được kế thừa từ thiết kế của Edward Benedictus năm nào.

Thảo Vy

Theo BS