Những người may mắn được đón năm mới 2024 tới 16 lần: Họ là ai?

Minh Khôi

(Dân trí) - Tại thời khắc chúng ta đón chào năm mới 2024 bên cạnh bạn bè và người thân, thì có những người được trải nghiệm điều đó tới 16 lần.

Những người may mắn được đón năm mới 2024 tới 16 lần: Họ là ai? - 1

Một phi hành gia tạo dáng bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (Ảnh: NASA).

Đó chính là 10 phi hành gia vũ trụ hiện đang làm nhiệm vụ khoa học trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Khi thế giới bước vào thời khắc chào đón năm mới, họ đã liên tục được trải nghiệm quá trình chuyển đổi từ năm 2023 sang 2024 theo cách không thể độc đáo hơn.

Được biết, trạm ISS di chuyển với tốc độ khoảng 28.000 km mỗi giờ, và hoàn thành một quỹ đạo quay quanh Trái Đất cứ sau 90 phút. Nói cách khác, thay vì 12 giờ ánh sáng, sau đó là 12 giờ bóng tối trên Trái Đất, các phi hành gia sẽ quen với một nhịp sinh học mới: Đó là 45 phút ánh sáng ban ngày trước khi bước vào 45 phút tối.

Hành trình này đồng nghĩa với việc họ sẽ có cơ hội chào đón năm mới nhiều lần khi họ di chuyển qua các múi giờ khác nhau. Cụ thể, với vận tốc và quỹ đạo ổn định quay quanh Trái Đất, phi hành đoàn sẽ nhìn thấy trung bình 16 lần xuất hiện bình minh và hoàng hôn trong khoảng thời gian 24 giờ.

Điều này tương đương với 16 lần đón chào thời khắc năm mới diễn ra. Đó là thứ mà không một ai trên Trái Đất có thể làm được.

Những người may mắn được đón năm mới 2024 tới 16 lần: Họ là ai? - 2

Các phi hành gia trên trạm ISS được đón năm mới 16 lần nhờ quỹ đạo di chuyển liên tục quanh Trái Đất (Ảnh: Getty).

Trải nghiệm phi thường này không chỉ là một hiện tượng kỳ lạ của du hành vũ trụ, nó cũng mang đến những ý nghĩa khoa học nhất định.

Theo đó, sự chuyển đổi thường xuyên giữa ngày và đêm cho phép các phi hành gia tiến hành thí nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như vi sinh và luyện kim... Nhờ vậy, quá trình đã cung cấp những hiểu biết mà họ không thể có được trên Trái Đất, cũng như nâng cao hiểu biết của chúng ta về vũ trụ.

Trong khi phi hành đoàn sử dụng múi giờ Greenwich (GMT) để duy trì lịch trình đều đặn, thì sự thay đổi liên tục giữa ngày và đêm cũng đặt ra những thách thức trong việc duy trì nhịp sinh học.

Mặc dù vậy, những khung cảnh đầy cảm hứng về đường chân trời Trái Đất và trải nghiệm đặc biệt đón giao thừa 16 lần chắc chắn là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của các phi hành gia vũ trụ.

Theo IndiaToday

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm