1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bí ẩn hành tinh không thể tồn tại

Minh Khôi

(Dân trí) - Hành tinh chứa đựng những nghịch lý khiến các nhà thiên văn học phải suy nghĩ lại về sự tồn tại của nó.

Hãy tưởng tượng bạn là một người nông dân đang tìm kiếm trứng trong chuồng gà. Thế nhưng thay vì trứng gà, bạn tìm thấy một quả trứng đà điểu. Nó lớn hơn nhiều so với bất cứ thứ gì mà một con gà có thể đẻ.

Đó chính là cảm giác của nhóm các nhà thiên văn học đến từ Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, khi họ phát hiện ra một hành tinh khổng lồ, trái với lẽ tự nhiên mà vũ trụ có thể sản sinh. Nó là LHS 3154b.

Bí ẩn hành tinh không thể tồn tại - 1

Ý tưởng của họa sĩ về hành tinh LHS 3154b ngôi sao chủ nhỏ bé (Ảnh: Đại học bang Pennsylvania).

Để tìm thấy hành tinh trên, các nhà khoa học đã thiết kế và chế tạo một công cụ, có khả năng phát hiện ánh sáng từ những ngôi sao mờ dựa trên bước sóng vượt quá độ nhạy của mắt người.

Họ gắn thiết bị vào Kính viễn vọng Hobby-Eberly dài 10 mét ở miền Tây Texas, và kỳ vọng nó có thể giúp chúng ta tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Thế nhưng, sự xuất hiện của LHS 3154b đã khiến các nhà khoa học bất ngờ. Tác giả của nghiên cứu thừa nhận họ không thể lý giải sự tồn tại của gã khổng lồ LHS 3154b. Đó sẽ là một câu trả lời đòi hỏi nhiều quan sát và phân tích chuyên sâu hơn.

LHS 3154b - quả trứng đà điểu trong chuồng gà

Sự vô lý đầu tiên mà LHS 3154b mang đến, đó là nó thuộc nhóm các hành tinh có lõi rắn. Cụ thể, nó nặng hơn Trái Đất 13 lần, nhưng lại quay quanh một ngôi có khối lượng nhỏ hơn Mặt Trời của chúng ta 9 lần và kém sáng hơn 100 lần.

Các bằng chứng cho thấy nó được hình thành trong một đĩa tròn xung quanh ngôi sao chủ, bao gồm thành phần là khí và bụi (gọi là đĩa tiền hành tinh). Tuy nhiên, điều này là trái với những kiến thức mà các nhà thiên văn có được bấy lâu.

Đó là bởi một đĩa điển hình xung quanh một ngôi sao có kích thước nhỏ bé như sao M thường không thể có đủ vật liệu rắn hoặc khối lượng để tạo ra phần lõi của LHS 3154b, chứ chưa nói là toàn bộ hành tinh.

"Chúng ta rõ ràng là biết rất ít về vũ trụ", Suvrath Mahadevan, nhà thiên văn tại Đại học Pennsylvania State (Mỹ), thừa nhận. "Chúng tôi không hề nghĩ rằng một hành tinh nặng như thế này tồn tại xung quanh một ngôi sao có khối lượng nhỏ như vậy".

Một giả thuyết được đặt ra, là đĩa này gồm tập hợp các hạt bụi, sau đó phát triển chúng thành đá cuội, và cuối cùng kết hợp lại để tạo thành lõi rắn hành tinh.

Một khi lõi được hình thành, hành tinh này có thể hút bụi, cũng như các loại khí xung quanh như hydro và heli dựa trên lực hấp dẫn. Cách hình thành này được gọi là bồi tụ lõi.

Một lý thuyết khác cũng được đưa ra, đó là hành tinh được hình thành do một vụ nổ siêu tân tinh, gây ra sự mất ổn định hấp dẫn. Tại đó, khí và bụi trong đĩa trải qua quá trình sụp đổ, rồi hình thành nên một hành tinh hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, sẽ cần rất nhiều nghiên cứu để khẳng định sự hình thành của LHS 3154b, bởi nó đã sớm phá vỡ lý thuyết lâu đời về khai sinh các hành tinh, bao gồm cả Trái Đất.