Những kiến thức khoa học sai lệch mà chúng ta đều tin là đúng(P2)

(Dân trí) - “Voi là loài thú duy nhất không thể nhảy”; “phương hướng trên la bàn là hoàn toàn chính xác”; “chạm vào da cóc sẽ khiến chúng ta nổi mụn cóc”… những sự thật khoa học mà đa số mọi người đều tin là đúng trên liệu có thực sự chính xác?

Những kiến thức khoa học sai lệch mà chúng ta đều tin là đúng(P2) - 1

Mặc dù có đầy đủ 4 chân, đầu gối, gân, cơ bắp nhưng những chú voi trưởng thành không thể…nhảy và thậm chí nhiều người còn tin rằng, chúng chính loài thú duy nhất trên trái đất không thể nhấc bổng cơ thể lên không. Tuy nhiên sự thật là loài voi không hề đơn độc, bởi bên cạnh chúng còn có một vài loài thú khác cũng không nhảy được, điển hình như con lười hay hà mã.

Những kiến thức khoa học sai lệch mà chúng ta đều tin là đúng(P2) - 2

Thực tế là phương hướng trên la bàn không hề chính xác hoàn toàn nếu xét về mặt địa lý. Chúng ta cần biết rằng, la bàn hoạt động dựa theo từ trường của trái đất. Tuy nhiên, hai cực từ trường của hành tinh chúng ta lại không hề trùng khớp với cực bắc và cực nam địa lý. Theo các nhà khoa học, trong suốt 160 triệu năm qua, từ trường của trái đất đã thay đổi ít nhất 100 lần. Ở thời điểm hiện tại, cực bắc từ của trái đất nằm ở bán đảo Boothia Peninsula – điểm tận cùng về phương bắc của Canada. Vì vậy, kim của tất cả các la bàn trên thế giới đều chỉ về vị trí này.

Những kiến thức khoa học sai lệch mà chúng ta đều tin là đúng(P2) - 3

Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng có không ít người nghĩ rằng, khi còn ở trong cơ thể, máu có màu xanh và nó chỉ chuyển đỏ khi bị chảy ra ngoài vì tiếp xúc với oxy. Quan điểm trên xuất phát từ việc các tĩnh mạch của chúng ta khi quan sát từ bên ngoài da đều có màu xanh.

Tuy nhiên, sự thực là trong máu mà cụ thể là hồng cầu luôn có sự hiện diện của hemoglobin (loại protein màu đỏ có nhiệm vụ hấp thụ oxy) nên máu sẽ luôn có màu đỏ, và nó chỉ thay đổi về sự đậm nhạt dựa trên hàm lượng oxy. Nếu vẫn còn thắc mắc về màu sắc của tĩnh mạch, thì bạn cần biết rằng, bản chất màu xanh mà chúng ta thấy nằm ở cách ánh sáng phản xạ tới mắt.

Những kiến thức khoa học sai lệch mà chúng ta đều tin là đúng(P2) - 4

Loài cóc và mụn cóc ở người không hề có sự liên quan đến nhau. Điều này có nghĩa là việc chạm vào da của một con cóc sẽ không thể làm bạn bị nổi mụn cóc như quan niệm lâu nay. Trên thực tế, dù có kiểu hình rất giống những vết sần trên da cóc nhưng nguyên nhân gây ra mụn cóc ở người lại là virut HPV hay papillomavirus.

Thảo Vy

Theo BS