Những “hóa thạch sống”, tồn tại từ hàng triệu năm trước cho đến ngày nay
(Dân trí) - Có những loài động vật đã sống sót qua các biến động địa chất từ hàng triệu năm trước và vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Cha đẻ của thuyết tiến hóa, Chales Darwin là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “hóa thạch sống” trong cuốn sách tiên phong “Nguồn gốc của muôn loài” vào năm 1859. Ông đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả các loài sống có ngoại hình giống với các loài tiền sử từng có trên Trái đất.
Tuy nhiên, việc phân loại động vật là “hóa thạch sống” gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học vì nó hàm ý rằng một số loài ngày nay đã ngừng tiến hóa và không thay đổi so với tổ tiên xa xưa của chúng.
Sự thật về các loài “hóa thạch sống”, chẳng hạn như cá sấu, là chúng có những đặc điểm rất giống với một loài sống cách đây hàng triệu năm. Để được xếp vào hóa thạch sống, một loài phải có tốc độ tiến hóa vật chất chậm hơn đáng kể hoặc có những thay đổi tinh vi về hình thái (thể chất).
Dưới đây là 5 loài động vật được ví như “hóa thạch sống” trên trái đất vì thời gian tồn tại của chúng:
Ốc anh vũ
Trên trái đất, không có nhiều loài sống đủ lâu để chứng kiến sự trỗi dậy cũng như sụp đổ của loài khủng long, nhưng ốc anh vũ thì chắc chắn có thể. Trở thành gã khổng lồ của đại dương vào khoảng 500 triệu năm trước, những loài động vật thân mềm cổ đại này sinh tồn thành công là nhờ vào bộ giáp tự nhiên của chúng. Ốc anh vũ là loài động vật thân mềm duy nhất có lớp vỏ bọc khép kín hoàn toàn, nhờ có một cửa sập bằng thịt bảo vệ phần thân mềm ẩn bên trong.
Thoạt nhìn, ốc anh vũ có thể trông giống một con ốc sên lơ lửng, thụ động theo dòng chảy dưới nước mà không có bất cứ vây hay chân tay để điều khiển hành trình của nó. Tuy nhiên, nó sử dụng một tia nước để tự đẩy mình. Thông qua một vòi hút (một đường nối mô sống với các khoang vỏ bên trong), ốc anh vũ có thể hút vào và bơm nước ra xung quanh, tạo thành lực đẩy cho phép chúng di chuyển lui tới. Nó sử dụng cùng phương pháp để di chuyển lên và xuống: sau khi đẩy nước ra khỏi vỏ, ốc anh vũ có thể nổi và di chuyển lên, khi hút nhiều nước hơn thì chúng sẽ chìm xuống.
Mặc dù cấu tạo độc đáo này đã giúp chúng tồn tài trong hàng triệu năm, nhưng hiện nay chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng từ những người chuyên săn bắt để lấy những bộ vỏ tuyệt đẹp của mình.
Cá sấu
Là loài tượng trưng cho các hóa thạch sống, cá sấu từ lâu đã là một ví dụ cho việc “nếu cái gì không hỏng thì không cần sửa” khi nói đến quá trình tiến hóa. Vào đầu Đại trung sinh khoảng 250 triệu năm trước, tổ tiên của cá sấu ngày nay bắt đầu những bước đầu tiên trên Trái đất. Vào cuối Kỷ phấn trắng, khoảng 65 triệu năm trước, các đầm lầy và lòng sông thời tiền sử là nơi cư trú của những loài săn mồi lưỡng cư không khác với cá sấu mà ta thấy ngày nay là bao.
Với chiếc mõm dài và cơ bắp, bộ giáp có vảy và những chiếc chân ngắn, cấu tạo cơ thể của cá sấu được cho là phát triển từ nhu cầu khám phá các lãnh thổ săn mồi mới vì khủng long đã độc chiếm đất liền. Cá sấu đã tiến hóa để phù hợp với môi trường sống mới ở dưới nước. Mắt, tai và mũi nằm trên đầu để cá sấu giữ cho chúng trên mặt nước khi phần còn lại của cơ thể chìm trong nước và chiếc đuôi cơ bắp như chiếc vây giúp chúng có sức mạnh và khả năng cơ động dưới nước.
Mặc dù chúng ta có bằng chứng có thể cho thấy những con cá sấu hiện đại đã duy trì hình dạng của chúng trong hàng triệu năm, nhưng dòng dõi của loài này cũng đã có những khác biệt.
Tuatara
Hiện chỉ tìm thấy ở New Zealand, nhưng trước đây, Tuatara từng được thấy trên khắp thế giới. Loài bò sát giống thằn lằn này trước đây được cho là một thành viên của họ thằn lằn, nhưng sau khi xem xét cẩn thận và theo dõi dấu vết hóa thạch từ hơn 200 triệu năm trước, người ta kết luận rằng loài bò sát này là thành viên của một bộ riêng biệt được gọi là Rhynchocephalia, mà Tuatara là đại diện duy nhất.
Đã từng có 24 chi thuộc bộ Rhynchocephalia tồn tại trên địa cầu, nhưng sự cạnh tranh với các loài bò sát khác thích nghi tốt hơn, ví dụ như cá sấu, đã dẫn đến sự tuyệt chủng của tất cả khoảng 100 triệu năm trước, trừ một chi Tuatara còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Cua móng ngựa
Mặc dù có tên gọi này nhưng cua móng ngựa thực chất không phải là cua mà chúng thuộc một nhóm động vật không xương sống thuộc lớp nhện và có quan hệ họ hàng gần với nhện và bọ cạp. Tuy nhiên, do vỏ của chúng giống với các loài giáp xác nên rất dễ gây nhầm lẫn.
Lần đầu được thấy dưới đáy biển vào hơn 300 triệu năm trước, cua móng ngựa đã liên tục xuất hiện kể từ thời điểm đó. Mặc dù không giống với tổ tiên tiền sử, nhưng quá trình tiến hóa của chúng diễn ra từ từ đến mức chúng được coi là “hóa thạch sống”. Được khoác lên mình lớp vỏ hình móng ngựa mạnh mẽ, những loài “nhện bọc thép” này tạo nên một bữa ăn khó nhằn cho cả những kẻ săn mồi thời tiền sử và hiện tại.
Mặc dù cua móng ngựa không được biết đến với khả năng bơi lội và thường chỉ được nhìn thấy khi trườn lên khỏi mặt nước, chúng vẫn được trang bị một chiếc đuôi dài giống như gai có tác dụng như một chiếc bánh lái. Trong trường hợp chúng bị lật ngửa, chiếc đuôi này hoạt động như một đòn bẩy để lật chúng lên.
Vào mỗi mùa hè trên các bờ biển xung quanh nước Mỹ, những đàn cua móng ngựa Đại Tây Dương thường ngoi lên khỏi mặt nước và lên bãi biển để sinh sản.
Cá vây tay
Khi lặn xuống vùng biển sâu xung quanh quần đảo Comoros ở châu Phi, bạn có thể may mắn phát hiện ra một hóa thạch sống đang bơi ở gần đáy biển. Với chiều dài lên đến hai mét, rất khó để bỏ sót loài vật này. Từng được cho là đã tuyệt chủng, cá vây tay đã trải qua thử thách cùng thời gian và không thay đổi về thể chất trong hơn 360 triệu năm.
Hiện có hai loài cá vây tay - Latimeria chalumnae sống ở đáy biển ngoài khơi phía đông châu Phi và Latimeria menadoensis - bơi sâu ở vùng biển Indonesia. Điều làm nên sự đặc biệt của những con cá khổng lồ này chính là những chiếc vây của chúng. Thông thường, những giống cá có xương ngày nay có vây tia, nghĩa là chân chèo của chúng được tạo thành từ các gai xương. Cá vây tay chỉ là một trong hai nhóm cá bơi bằng vây thùy. Cũng giống như cách xương chân của chúng nối với xương chậu, vây thùy chứa cấu trúc xương bên trong khiến các nhà khoa học tin rằng tổ tiên của chúng có thể liên quan đến sự tiến hóa của các loài tứ chi (động vật có xương sống có bốn chi). Tuy nhiên, có vây thùy làm loài cá này trông giống như mọc chân.