1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Những công việc mà rô bốt không thể làm được

(Dân trí) - Càng ngày, ta càng quen với những công cụ tự động hóa trong nhiều việc. Đó là các thẻ ATM để rút tiền thay cho một nhân viên phát tiền ngân hàng, một máy hút bụi hút khói hay hút mùi tự động, các công cụ tự động làm công việc giao hàng hay phục vụ ở các quán ăn,… Rô bốt là hình thức cụ thể nhất của ứng dụng này – dưới dạng một người máy.

Các bệnh viện ở Bỉ và ở nhiều nước khác, bắt đầu trang bị rô bốt cho việc đón tiếp các bệnh nhân, giải thích đường đi nước bước, thông tin về các công đoạn chẩn đoán để chuẩn bị cho bệnh nhân – tức là những việc cố định, theo một mẫu mực có thể lập trình được. Các bệnh nhân là trẻ em rất thích thú được hướng dẫn bởi các rô bốt và điều này giảm rất nhiều sự lo sợ của chúng.

Những công việc mà rô bốt không thể làm được - 1

Cũng ở bệnh viện, nhiều công đoạn chẩn đoán bệnh được tự động hóa bằng rô bốt thay các chuyên viên vật lý trị liệu, điều khiển các buổi tập luyện phục hồi chức năng sau các giải phẩu chẳng hạn.

Thế nhưng có lẻ còn nhiều nghề mà rô bốt sẽ khó mà thay thế con người.

1. Nghề nuôi dạy trẻ

Trẻ không những chỉ cần ăn no và vui chơi. Rô bốt có thể chuẩn bị bánh mì và nướng lại bánh pizza hay chơi tung bóng với trẻ nhưng rô bốt khó mà nhận thấy một trẻ đang buồn và dĩ nhiên không có khả năng an ủi bé. Muốn nuôi dạy trẻ trở thành con thành người theo đúng nghĩa thì dù rô bốt có khả năng tới đâu đi nữa, cũng không thể tạo cho trẻ sống trong một môi trường giữa người với nhau, có nhân nghĩa và có đạo đức.

2. Nghề bác sĩ tâm thần

Rô bốt có thể được lập trình để thu nhận lời khai bệnh của một bệnh nhân nhưng có những đặc thù của ngôn từ, cách diễn tả, những ngập ngừng hay ngôn ngữ không lời, ... của những bệnh tâm thần thì chỉ có một tâm lý gia, một bác sĩ tâm thần mới có khả năng, tùy trường hợp, hiểu và đánh giá cái khổ đau hay cái bất ổn của bệnh nhân để mà trị cho họ lành.

Người bệnh tâm thần cũng cần sự thương cảm của một bác sĩ bằng xương bằng thịt để bấu víu và để tin tưởng.

3. Nghề quản lý quốc gia, người làm chính trị

Chính trị gia cần phương pháp. Cái đó có thể lập trình cho rô bốt làm được. Nhưng cần nghệ thuật quản lý uyển chuyển, cần biết cách thu phục nhân tâm cần biết giao tiếp với giới truyền thông trong nhiều tình huống khác nhau, cần biết bảo mật, … những khả năng mà rô bốt, dù có tinh vi đến mấy cũng không làm được.

Tức là rô bốt có thể đóng vai thừa hành những công việc đã được quyết định bởi chính trị gia, những cá nhân giàu … nghệ thuật quản lý và khả năng tạo tin tưởng, lôi cuốn đám đông.

Nhưng một cách khôi hài, những nhà lập trình rô bốt bảo rằng nếu giao rô bốt làm chính trị thì sẽ minh bạch và bình đẳng hơn vì khó mà lập trình cho rô bốt nói dối hay biết thiên vị một bè phái hay một người nào đó.

4. Thẩm phán

Quan tòa không chỉ áp dụng luật một cách máy móc để kết tội phạm nhân – vì còn tùy hoàn cảnh, địa thế của từng trường hợp. Áp dụng luật một cách công bằng rắt cần nhưng áp dụng tuyệt đối cái công bằng sẽ thành vô tâm. Thế nên quan toà phải là người biết cân nhắc và biết dự trù trước cái ích lợi của hình phạt chứ không áp dụng hình phạt một cách cứng nhắc. Rô bốt không có khả năng uyển chuyển như thế.

5. Nghề sáng tạo như nhà văn, họa sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ

Biết rung động cảm xúc trước cái đẹp, hay trước sự đau khổ nào đó…; rất khó lập trình cho một rô bốt những khả năng này. Rô bốt có thể bắt chước một tác phẩm, nhưng không sáng tác được tác phẩm.

6. Và cuối cùng, “nghề” làm cha mẹ, một nghề không có trường nào dạy bài bản nhưng cha mẹ nào cũng biết thương con và từ đó tự .. sáng tạo ra rất nhiều phương thức để nuôi con. Những “sáng chế” này, khó có rô bốt nào, dù có được lập trình cẩn thận đến đâu, làm được. Rô bốt cũng không có khả năng yêu thương. Đó là chưa nói đến cái ấm áp và dịu dàng của vòng tay ôm ấp của cha mẹ mà trẻ nào cũng cần.

Nguyễn Huỳnh Mai

Liège, Bỉ