1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Những cơn bão được đặt tên như thế nào?

T.Thủy

(Dân trí) - Mỗi cơn bão xuất hiện trên trái đất đều có tên gọi. Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi những cơn bão này do ai đặt tên và quy tắc đặt tên cho các cơn bão này như thế nào?

Cơn bão Talim (bão số 1) là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam trong năm 2023. Điều may mắn là cơn bão này đã không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nước ta.

Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng) tập trung về thả neo, chằng giữ cố định để tránh bão Talim đổ bộ (Ảnh: Thành Đông).

Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng) tập trung về thả neo, chằng giữ cố định để tránh bão Talim đổ bộ (Ảnh: Thành Đông).

Khi đọc những tin tức cập nhật về cơn bão Talim trên các phương tiện truyền thông, không ít người sẽ đặt ra câu hỏi cái tên gọi "Talim" được bắt nguồn từ đâu và ai là người đã đặt tên cho cơn bão này?

Cách thức đặt tên cho các cơn bão đã có một lịch sử lâu dài và đầy phức tạp, cho đến khi có một quy chuẩn riêng như ngày nay.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), ban đầu, các cơn bão được đặt theo tên của các vị thánh liên quan đến ngày cơn bão đổ bộ. Ví dụ cơn bão Santa Ana đổ bộ vào ngày 26/7/1825 được đặt theo tên Thánh Anne của Kitô giáo.

Nếu có 2 cơn bão đổ bộ vào trong cùng một ngày, cơn bão mới hơn sẽ có thêm phần hậu tố trong tên gọi của nó. Chẳng hạn cơn bão đổ bộ Puerto Rico vào ngày 13/9/1876 được đặt tên là San Felipe và một cơn bão khác đổ bộ vào ngày 13/9/1928 được đặt tên là bão San Felipe II.

Các nhà khoa học sau đó sử dụng thông tin về kinh độ, vĩ độ hình thành nên cơn bão để đặt tên cho các cơn bão. Tuy nhiên, phương pháp này khiến quá trình nhận diện các cơn bão trở nên rườm rà và dễ nhầm lẫn.

Đến năm 1953, các chuyên gia dự báo thời tiết tại Mỹ sử dụng tên do Trung tâm Bão Quốc gia (trực thuộc NOAA) chỉ định. Các nhà khoa học tại NOAA sẽ đặt tên riêng cho từng cơn bão được hình thành.

Một điều khá thú vị, ban đầu, các nhà khoa học đã sử dụng tên gọi của phái nữ để đặt cho các cơn bão, trong đó cơn bão đầu tiên được đặt tên là bão Maria, được đặt theo tên nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết "Storm" (Cơn bão), được viết vào năm 1941 của nhà văn Mỹ George Rippey Stewart.

Từng có thời, tên gọi của phái nữ được sử dụng để đặt tên cho các cơn bão (Ảnh minh họa: MTLR).

Từng có thời, tên gọi của phái nữ được sử dụng để đặt tên cho các cơn bão (Ảnh minh họa: MTLR).

Tuy nhiên, khi phong trào nữ quyền phát triển khiến các nhà khoa học nhận ra rằng việc sử dụng tên phái nữ để đặt cho các cơn bão có phần phân biệt giới tính. Do vậy đến năm 1979, các nhà khoa học tại NOAA đã sử dụng tên của nam giới để đặt cho các cơn bão và sử dụng luân phiên tên của 2 giới để đặt cho các cơn bão.

Chính NOAA đã khởi xướng cho việc đặt tên các cơn bão, tuy nhiên, ban đầu những tên gọi này được sử dụng trong phạm vi nước Mỹ và các nước đồng minh phương Tây.

Hiện tại, tên của các cơn bão được đặt bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), tổ chức chuyên môn về khí tượng của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).

WMO chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật và dự báo thời tiết 6 khu vực trên thế giới, được chia theo vị trí địa lý, bao gồm châu Phi, châu Á, Nam Mỹ, Bắc và Trung Mỹ, Tây Nam Thái Bình Dương, châu Âu.

Các quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới sẽ đề cử tên gọi các cơn bão cho WMO. Những cái tên có trong danh sách này sẽ được WMO lựa chọn để đặt cho các cơn bão được hình thành tại những khu vực tương ứng.

Với Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã đưa ra đề xuất 20 tên gọi cho bão để gửi lên WMO, nhưng sau đó Ủy ban Bão của WMO tại khu vực chỉ chọn ra 10 cái tên do Việt Nam đề cử, bao gồm Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco.

Tuy nhiên, tên gọi Sontinh sau đó đã được phía Việt Nam đề nghị rút ra khỏi danh sách đặt tên cho bão vì đây là vị thần biểu tượng cho nỗ lực chống lại các hiện tượng thiên tai, bão lũ trong truyền thuyết của dân tộc, do vậy việc sử dụng "Sơn tinh" để đặt tên cho các cơn bão là không phù hợp.

Danh sách tên gọi các cơn bão sẽ được tái sử dụng sau mỗi 6 năm. Chẳng hạn danh sách các cơn bão năm 2023 sẽ được sử dụng lại để đặt tên cho các cơn bão vào năm 2029.

Trong trường hợp cơn bão Talim vừa đổ bộ vào nước ta, đây là tên do Philippines đề xuất.

Mỗi năm, Ủy ban Bão sẽ họp một lần. Trong cuộc họp sẽ có nội dung bàn luận về việc các nước đề cử tên mới hoặc loại bỏ tên cũ trong danh sách đặt tên cho bão. Các nước cũng có quyền kiến nghị loại bỏ tên bão do quốc gia khác đặt nếu cảm thấy tên gọi đó không phù hợp vì nhiều lý do khác nhau.

Chẳng hạn, Việt Nam đã từng đề nghị loại bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì cơn bão đã gây nên hậu quả nghiêm trọng khi đổ bộ vào Việt Nam năm 2006. Ngược lại, Hàn Quốc cũng đã đề nghị loại bỏ tên bão Saomai do Việt Nam đề cử khỏi danh sách tên bão vì cơn bão này cũng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Hàn Quốc trong năm 2006.

Với những cơn bão gây nên thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, WMO sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên bỏ phiếu để quyết định xem có nên loại bỏ tên cơn bão đó hay không để tránh gây nên những ký ức đau thương.

Theo LS/MetoPheno