1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nhiếp ảnh gia mất 6 năm, 720.000 lần thất bại để có bức hình hoàn hảo này

Minh Khôi

(Dân trí) - "Nhìn lại hàng ngàn bức ảnh tôi đã chụp để có được một bức ảnh thế này, tôi nhận ra rằng mình đã phải nỗ lực nhiều như thế nào để có được nó", Alan McFadyen chia sẻ.

Chụp ảnh động vật hoang dã là sự kết hợp của kiên nhẫn, thời gian, kỹ năng và tình yêu đối với động vật. Bên cạnh đó, cũng không thể không kể tới yếu tố may mắn.

Câu chuyện dưới đây của Alan McFadyen, một người đam mê nhiếp ảnh động vật hoang dã từng bỏ tới 4.200 giờ và 720.000 bức ảnh thất bại để có được bức ảnh hoàn hảo, có lẽ là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực mà một nhiếp ảnh gia động vật có thể phải trải qua.

Nhiếp ảnh gia mất 6 năm, 720.000 lần thất bại để có bức hình hoàn hảo này - 1

Bức ảnh ghi lại cảnh một chú chim bói cá lặn thẳng xuống nước mà không có bất kỳ tia nước nào bắn lên (Ảnh: Getty).

Trả lời phỏng vấn tờ Herald Scotland, McFadyen cho biết anh đã bị thu hút bởi sự lộng lẫy của loài chim này từ khi còn là một cậu nhóc, lúc được ông nội dẫn đi xem tổ của chúng.

Sau nhiều năm chụp ảnh về loài chim này, McFadyen chợt nảy ra ý tưởng độc đáo ghi lại khoảnh khắc khi con chim chuẩn bị lao xuống mặt nước phẳng lặng, và không có một tia nước nào bắn lên.

Điều này theo anh là không chỉ đòi hỏi bản thân có mặt ở đúng nơi, đúng thời điểm, mà con chim cũng cần có một cú bổ nhào chuẩn xác, hoàn hảo.

Trong mỗi buổi đi dã ngoại, McFadyen thường chụp khoảng 600 tấm. Và anh sớm nhận ra việc "bắt" được khoảnh khắc này khó hơn rất nhiều so với trong tưởng tượng.

Bằng sự kiên trì và niềm đam mê, McFadyen đã chinh phục được thử thách do bản thân anh đặt ra dù mất tới 4.200 giờ và 720.000 bức ảnh thất bại.

"Tôi chắc rằng ông tôi sẽ rất thích nó, nếu ông còn sống. Chỉ ước rằng ông có thể thấy nó. Tất cả gia đình tôi đã gọi cho tôi khi họ nhìn thấy nó được đăng trên tạp chí, và họ rất tự hào về tôi", McFadyen cho biết.

Nhiếp ảnh gia mất 6 năm, 720.000 lần thất bại để có bức hình hoàn hảo này - 2

Bói cá hay bói cá thiên thanh, thuộc nhóm các loài chim có kích thước nhỏ có màu rực rỡ thuộc Bộ Sả. Loài này phân bổ hầu hết khắp các lục địa trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, chim bói cá thuộc Họ Bói cá (Cerylidae) trong 3 họ chính là Alcedinidae (Họ Bồng chanh), Halcyonidae (Họ Sả), và Cerylidae (Họ Bói cá). Tổ tiên của loài chim này ban đầu có nguồn gốc Châu Phi sau đó phân bổ thành các họ phân bổ sang châu Á, châu Mỹ và các châu lục khác.

Đúng như tên gọi, chim bói cá ăn chủ yếu là cá như cá mỏ và cá gai, nhưng chúng cũng ăn côn trùng thủy sinh, tôm nước ngọt và nòng nọc... để tăng cường chế độ ăn uống.

Đôi mắt của chim bói cá có tầm quan sát cực tốt, và thậm chí có thể phán đoán độ sâu dưới nước một cách chính xác. Chúng cũng có thể nhìn được dưới nước, nhờ một mí mắt thứ 3 trong suốt bảo vệ cho mắt.

Một khi chim đã xác định được con mồi phù hợp, nó sẽ lao nhanh xuống nước và lặn ở một độ sâu nhất định. Khi xuống dưới nước, mỏ của nó được mở ra, nhanh chóng bắt lấy con mồi, và dùng cánh để bơi ngược lên khỏi mặt nước.