Nhện ăn thịt rắn: Hành vi săn mồi lạ thường, khiến giới khoa học kinh ngạc

Nhện chủ yếu là loài ăn côn trùng, nhưng chúng thỉnh thoảng đổi thực đơn bằng cách bắt và ăn những con rắn to lớn hơn chúng hàng chục lần.

Tiến sĩ Martin Nyffeler, nhà nhện học tại Đại học Basel và Giáo sư nghiên cứu động vật học người Mỹ Whitfield Gibbons của Đại học Georgia, Mỹ đã tìm hiểu sâu về hiện tượng này trong một phân tích tổng hợp.

Theo đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 300 báo cáo về hành vi săn mồi bất thường trên của nhện. Chuyên đề nghiên cứu được đăng trên tạp chí American Journal of Arachnology gần đây.

Nhện ăn thịt rắn: Hành vi săn mồi lạ thường, khiến giới khoa học kinh ngạc - 1

Nhiều loài nhện ăn thịt những con rắn to lớn hơn chúng 10 đến 30 lần.

Nhiều loài nhện ăn thịt rắn

Kết quả nghiên cứu cho biết, hóa ra nhện ăn thịt rắn xuất hiện ở mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực.

80% những vụ nhện ăn thịt rắn được nghiên cứu được ghi nhận ở Mỹ và Australia. Ở châu Âu, hành vi săn mồi bất thường này của loài nhện này được quan sát thấy cực kỳ hiếm (ít hơn 1% trong tổng số các vụ nhện ăn thịt rắn được ghi nhận) và chỉ giới hạn ở việc tiêu thụ các loài rắn nhỏ, không có nọc độc thuộc họ rắn mù (Typhlopidae).

Tuy nhiên, nhện ăn thịt rắn chưa từng được báo cáo ở Thụy Sĩ. Một lời giải thích có thể là do các loài rắn nước và rắn độc bản địa ở Thụy Sĩ thường to và nặng ngay cả khi mới nở khiến nhện Thụy Sĩ không thể "săn bắt" chúng.

Nhện ăn thịt rắn: Hành vi săn mồi lạ thường, khiến giới khoa học kinh ngạc - 2

Hiện tượng nhện ăn thịt rắn được ghi nhận nhiều nhất ở Mỹ và Australia

Phân tích dữ liệu cũng cho thấy nhện từ 11 họ khác nhau có thể săn bắt và ăn rắn.

"Việc phát hiện nhiều nhóm nhện khác nhau đôi khi đổi món, ăn rắn là một phát hiện hoàn toàn độc đáo, mới lạ", Tiến sĩ Nyffeler nhấn mạnh.

Nhện "góa phụ đen" thuộc họ Theridiidae là những thợ "săn rắn" giỏi nhất. Nọc độc mạnh của nhện góa phụ đen có chứa một loại độc tố đặc biệt nhắm vào hệ thần kinh của động vật có xương sống. Những con nhện này xây dựng chiếc mạng bằng những sợi tơ cực kỳ dai, giúp chúng bắt những con mồi lớn hơn chúng nhiều lần như thằn lằn, ếch, chuột, chim và rắn.

Một phát hiện mới khác từ nghiên cứu đó là, nhện có thể bắt và ăn thịt 7 họ rắn khác nhau. Chúng có thể khuất phục những con rắn to gấp 10 đến 30 lần kích thước của chúng.

Nhện ăn thịt rắn: Hành vi săn mồi lạ thường, khiến giới khoa học kinh ngạc - 3

Con nhện này đang say sưa thưởng thức bữa ăn hậu hĩnh là một con rắn to hơn nó hàng chục lần.

Những con rắn lớn nhất bị nhện ăn thịt có chiều dài lên tới 1m, con nhỏ nhất chỉ khoảng 6cm. Theo đó, chiều dài trung bình của rắn bị nhện ăn thịt là 26cm.

Hầu hết rắn bị nhện bắt là những con còn non, mới nở. Lý do một số loài nhện có thể săn bắt được những con mồi quá khổ so với chúng là vì chúng có độc tố thần kinh cực mạnh và mạng nhện bền, dai, rất chắc.

Nọc độc nhện

Một số loài nhện giết và ăn rắn có nọc độc cũng có thể gây chết người. Điều đó có nghĩa là nọc độc của những loài nhện này có tác động tương tự đến hệ thần kinh của rắn và người.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm ra cơ chế khiến độc tố thần kinh của nhện ảnh hưởng đến hệ thần kinh của các động vật có xương sống.

Nhện ăn thịt rắn: Hành vi săn mồi lạ thường, khiến giới khoa học kinh ngạc - 4

Một số loài nhện có nọc độc khiến rắn tê liệt.

"Mặc dù tác động của nọc độc của nhện góa phụ đen đối với hệ thần kinh của rắn đã được nghiên cứu kỹ nhưng các nhóm nhện khác thì vẫn chưa. Do đó, cần phải nghiên cứu thêm để tìm ra thành phần của nọc độc nhện nhắm mục tiêu cụ thể vào thần kinh của động vật có xương sống", ông Nyffeler nói.

Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 30% rắn bị nhện ăn thịt có nọc độc. Ở Mỹ và Nam Mỹ, đôi khi nhện giết chết cả rắn đuôi chuông và rắn san hô có nọc độc mạnh. Ở Australia, rắn nâu (cùng họ với rắn hổ mang) thường trở thành mồi ngon của nhện lưng đỏ (nhện góa phụ đen Australia).

"Những con rắn nâu này là một trong những loài rắn độc nhất trên thế giới và thực sự thú vị khi thấy chúng thua trong cuộc chiến với nhện", ông Nyffeler bình luận.

Khi một con nhện bắt được một con rắn, nó thường sẽ dành hàng giờ hoặc nhiều ngày để ăn một con mồi lớn như vậy.

Tuy nhiên, một con nhện thường chỉ ăn một phần nhỏ của một con rắn đã chết. Các loài ăn xác như kiến, ong bắp cày, ruồi, mốc... tiêu thụ những gì còn lại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm