"Nhảy 2 bước" trên không trung, vận động viên thách thức định luật vật lý?
(Dân trí) - Fernando Tatis Jr. trở thành cái tên được cộng đồng mạng quan tâm khi anh này thực hiện cú "nhảy 2 bước" trên không trung đáng kinh ngạc.
Khả năng của con người luôn khiến chúng ta phải kinh ngạc. Điều này một lần nữa được Fernando Tatis Jr. - một cầu thủ bóng chày 22 tuổi đang chơi cho CLB San Diego Padres chứng minh giữa hàng vạn người theo dõi.
Pha xử lý được Fernando thực hiện trong bối cảnh đội nhà Padres bị dẫn với tỷ số 7-5 trước CLB Nationals tại sân Petco Park.
Trong hiệp thứ tư, khi cầu thủ ở phe đối diện tung cú đánh "homerun" (thuật ngữ trong bộ môn bóng chày) tưởng như ngoài tầm với của Fernando khi quả bóng tiến về phía anh.
Tuy nhiên, Fernando bắt gọn trái bóng theo một cách hết sức đặc biệt: anh rướn người thêm một nhịp nữa, khiến bản thân cao thêm một đoạn ngắn khi đã ở điểm cao nhất mà cú nhảy đầu tiên có thể đạt tới.
Để thấy rõ hơn, hãy nhìn phần hông (thắt lưng) của anh chàng trong ảnh dưới đây:
Hành động "trái với vật lý" này đã khiến người xem trên sân vận động, cũng như qua màn ảnh nhỏ không khỏi kinh ngạc tột độ.
"Cơ thể và chiều cao của anh ấy thật kinh ngạc. Có lẽ cú nhảy phải cao ước chừng 3.2 mét khi anh ấy tóm được quả bóng", Jayce Tingler - huấn luyện viên CLB Padres thảng thốt sau trận đấu. "Tôi sẽ rất bất ngờ nếu có nhiều người làm được cú nhảy này. Nó thật sự đặc biệt".
Lý giải cho hiện tượng "phi khoa học"
"Nhảy 2 bước" là khái niệm được sản sinh trong các trò chơi điện tử, khi nhân vật ảo bằng một cách nào đó có thể thực hiện bước nhảy cao hơn so với thực tế.
Tuy nhiên khi đưa sang thế giới thực, các nhà khoa học đã ngay lập tức phủ nhận sự tồn tại của nó do vi phạm định luật II của Newton như sau:
Gia tốc của một vật cùng hướng với lực tác dụng lên vật. Độ lớn của gia tốc tỉ lệ thuận với độ lớn của lực và tỉ lệ nghịch với khối lượng của vật., - Isaac Newton
Dẫu vậy, vẫn có một số trường hợp trong thực tế dường như đã thành công trong việc bất chấp trọng lực khi họ "lơ lửng" trên không trung trong một thời gian lâu hơn bình thường, hay còn gọi là "thời gian treo".
Các nhà vật lý học lý giải "thời gian treo" xảy ra bởi khả năng xử lý tuyệt vời của một số người (thường là vận động viên) khi họ có thể điều chỉnh cơ thể với mục đích thay đổi trọng tâm.
Lúc ở trạng thái này, vận động viên đồng thời bung các cơ và rướn thêm được một chút. Điều này làm chúng ta lầm tưởng rằng họ bằng một cách nào đó đã "nhảy" được 2 bước.
Trường hợp khả thi nhất có thể cho phép con người nhảy 2 bước, đó là khi chúng ta tác động lên một vật cứng nào đó trên không trung có vai trò như "điểm tựa". Nhìn chung, khả năng của con người vẫn còn rất xa để đạt tới những bước nhảy kép phi trọng lực thường thấy trong các trò chơi điện tử.
Một số nói rằng các bậc thầy võ thuật có thể đạt tới kỹ năng thượng thừa bằng cách tự giẫm vào chân của mình để rướn lên trong không khí. Đây cũng là bí quyết trong bộ môn khinh công, thậm chí cho phép người thành thục bước đi trên mặt nước. Tuy nhiên, khoa học chưa chứng minh được điều này.