Nhật Bản chuẩn bị có mẫu đất đầu tiên của tiểu hành tinh

Trang Phạm

(Dân trí) - Tàu vũ trụ của Nhật Bản sắp về đến Trái đất sau chuyến hành trình kéo dài một năm thám hiểm tiểu hành tinh xa xôi với các mẫu đất và dữ liệu có thể cung cấp manh mối về nguồn gốc của Hệ Mặt trời.

Nhật Bản chuẩn bị có mẫu đất đầu tiên của tiểu hành tinh - 1

Phi thuyền Hayabusa2 rời tiểu hành tinh Ryugu từ khoảng cách gần 290 triệu km so với Trái đất một năm trước và dự kiến sẽ thả một viên nang có chứa các mẫu quý ở miền nam Australia vào ngày 6/12 sắp tới.

Các nhà khoa học tại Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) tin rằng các mẫu, đặc biệt là những mẫu được lấy từ dưới bề mặt tiểu hành tinh, chứa dữ liệu quý giá không bị ảnh hưởng bởi bức xạ không gian và các yếu tố môi trường khác.

Makoto Yoshikawa, giám đốc sứ mệnh của dự án Hayabusa2, cho biết các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến việc phân tích vật liệu hữu cơ trong các mẫu đất ở Ryugu.

"Vật liệu hữu cơ là nguồn gốc của sự sống trên Trái đất, nhưng chúng tôi vẫn không biết chúng đến từ đâu. Do đó, chúng tôi đang hy vọng tìm ra manh mối về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất bằng cách phân tích chi tiết các vật liệu hữu cơ do Hayabusa2 mang về", Yoshikawa nói.

JAXA đã lên kế hoạch để thả các viên nang chứa mẫu vào một vùng xa, vùng dân cư thưa thớt ở Úc. Đây là một thách thức lớn đòi hỏi phải có điều khiển chính xác. Các viên nang, được bảo vệ bởi một tấm chắn nhiệt, sẽ biến thành một quả cầu lửa trong tái nhập cảnh trong khí quyển với tốc độ hơn 200km so với mặt đất.

Các nhân viên của JAXA đã thiết lập các đĩa vệ tinh tại một số địa điểm trong khu vực mục tiêu để bắt tín hiệu, đồng thời chuẩn bị radar hàng hải, máy bay không người lái và máy bay trực thăng để hỗ trợ nhiệm vụ tìm kiếm thu hồi.

Nếu không có những biện pháp đó, việc tìm kiếm viên nang hình chảo có đường kính chưa đầy 40cm sẽ là một việc cực kỳ khó khăn.

Đối với Hayabusa2, đó chưa phải là sự kết thúc của sứ mệnh mà nó bắt đầu vào năm 2014. Sau khi thả viên nang, nó sẽ quay trở lại không gian và hướng đến một tiểu hành tinh nhỏ ở xa khác có tên 1998KY26 trong một hành trình dự kiến kéo dài 10 năm.

Hayabusa2 đã chạm xuống Ryugu hai lần, mặc dù bề mặt của nó toàn đá nhưng đã thu thập thành công dữ liệu và mẫu trong suốt 1 năm rưỡi sau khi đến đó vào tháng 6 năm 2018.

Trong lần đầu tiên vào tháng 2 năm 2019, nó đã thu thập các mẫu bụi bề mặt. Vào tháng 7, nó đã thu thập các mẫu dưới lòng đất từ tiểu hành tinh lần đầu tiên trong lịch sử không gian sau khi hạ cánh xuống một miệng núi lửa mà nó đã tạo ra trước đó bằng cách cho nổ bề mặt tiểu hành tinh.

Các nhà khoa học cho biết có dấu vết của carbon và chất hữu cơ trong các mẫu đất của tiểu hành tinh.

JAXA hy vọng sẽ tìm ra manh mối về cách các vật chất phân bố trong Hệ Mặt trời có liên quan đến sự sống trên Trái đất.

Các tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời nhưng nhỏ hơn nhiều so với các hành tinh, là một trong những vật thể lâu đời nhất trong Hệ Mặt trời và do đó có thể giúp giải thích cách Trái đất tiến hóa.

Tàu vũ trụ của Nhật Bản mất 3 năm rưỡi để đến Ryugu, nhưng hành trình về nhà ngắn hơn nhiều vì vị trí hiện tại của Ryugu và Trái đất.