1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nhãn thực phẩm: Miếng giấy nhỏ, lợi ích to!

(Dân trí) - Nhãn thực phẩm là bảng thông tin dinh dưỡng dán trên các bao bì nhằm chỉ rõ các thành phần dinh dưỡng chứa trong món ăn cho khách hàng.

Nhờ các thông tin dinh dưỡng, nhãn thực phẩm giúp cho biết những thành phần của món ăn, đặc biệt với các món “có chuyển đổi”, điều chỉnh cho phù hợp với tuổi tác, bệnh tật, nguy cơ… Ngoài ra, nhãn thực phẩm còn giúp người tiêu dùng không bị “tiếp thị” quá mức giá trị dinh dưỡng những món ăn, đặc biệt là những thực phẩm chức năng…

Nhãn thực phẩm: Miếng giấy nhỏ, lợi ích to! - 1

Tổng quan về nhãn thực phẩm

Nhãn dinh dưỡng thực phẩm, thường được gọi tắt là nhãn thực phẩm, chỉ là một trong nhiều loại nhãn dán trên bao bì thực phẩm do nhà sản xuất thiết kế theo mẫu quy định của cơ quan kiểm soát.

Nhãn thực phẩm, nhãn dinh dưỡng thực phẩm (nutrition facts label) hay bảng thông tin dinh dưỡng (nutrition information panel), là nhãn dán trên các bao bì thực phẩm để chỉ rõ các thành phần dinh dưỡng chứa trong món ăn cho khách hàng.

Ngoài thông tin về thành phần và hàm lượng chất dinh dưỡng của thực phẩm, nhãn dinh dưỡng thực phẩm còn giúp khách hàng so sánh giữa hai hay nhiều món ăn cũng một loại để chọn ra món đúng theo nhu cầu. Ví dụ cùng món sữa, nhưng lại có nhiều loại công thức (formula) khác nhau tùy theo tuổi, tình trạng sức khỏe hay bệnh lý của người tiêu dùng.

Những công dụng của nhãn thực phẩm

* Thông tin dinh dưỡng của thực phẩm

Tất cả thực phẩm được đóng gói hoặc chế biến đều có nhãn thành phần dinh dưỡng dán kèm. Một nhãn thực phẩm phải được thông tin về hàm lượng và tỷ lệ phần trăm nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.

Thông thường, có khoảng 12 dữ liệu được liệt kê trên nhãn dinh dưỡng thực phẩm là: (1) tổng số calo cung cấp, (2) tổng số chất béo, (3) chất béo bão hòa, (4) chất béo trans, (5) cholesterol, (6) muối ăn, (7) tổng carbohydrate , (8) chất xơ, (9) đường ngọt, (10) protein, (11) vitamin, và (12) khoáng chất.

Nhãn thực phẩm: Miếng giấy nhỏ, lợi ích to! - 2

Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA quy định rất chặt chẽ rằng, tất cả các thực phẩm và đồ uống đóng gói phải được dán nhãn theo quy định, ngõ hầu cung cấp các thông tin chi tiết về hàm lượng và tỷ lệ chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo nhu cầu hằng ngày.

Từ năm 2016, FDA đã có những thay đổi đối với nhãn thực phẩm giúp người tiêu dễ dàng lựa chọn hơn.

Nhãn thực phẩm cũ (trái) và FDA mới điều chỉnh

Các thay đổi FDA yêu cầu bao gồm:

+ Năng lượng calo và phần ăn phải làm nổi bật lên bằng chữ in lớn hơn.

+ Thêm "đường cho thêm" dưới "đường tổng cọng".

+ Bỏ dòng "calo từ chất béo", vì nghiên cứu cho thấy loại chất béo quan trọng hơn số lượng chất béo.

+ Cập nhật các chất dinh dưỡng nào phải được liệt kê. Vitamin D và kali sẽ được kê thêm vào; vitamin A và C sẽ không còn cần thiết nhưng có thể được bao gồm trên cơ sở tự nguyện.

+ Cập nhật “cỡ khẩu phần” (serving size) để thực khách biết được lượng thực phẩm mình đã ăn vào.

+ Liệt kê lượng calo và chất dinh dưỡng cho một khẩu phần ăn, cũng như toàn bộ gói thực phẩm được tiêu thụ mỗi lần vào bàn.

+ Cập nhật các giá trị hàng ngày cho các chất dinh dưỡng như natri, chất xơ và vitamin D…

* Đọc nhãn thực phẩm để chọn lựa thức ăn

Nhờ nhãn dinh dưỡng, người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa thực phẩm theo nhu cầu, tình trạng sức khỏe của mình.

Ví dụ: Trẻ dưới 6 tháng bát buộc phải dùng sữa Formula I; người đái tháo đường phải dùng Sữa lạt (không thêm đường), người cao tuổi, tăng huyết áp sẽ chọn ra món ăn có ít muối.

* Hiểu được tác dụng của thực phẩm chức năng

Nhờ nhãn thực phẩm, người tiêu dùng dễ dàng biết được thành phần và hàm lượng của món ăn, đặc biệt là những thực phẩm chức năng, nên sẽ chọn được món cần thiết cho bệnh tật của bản thân mình.

Những nhãn thực phẩm cần lưu ý

* Nhãn thực phẩm cho sữa

Sữa mẹ là tốt nhất, phù hợp nhất cho trẻ. Nhưng khi mẹ mất sữa, hay khi trẻ trên 4 tháng tuổi mẹ không thể có đủ sữa nên trẻ phải ăn dặm, và sữa bò chính là loại thức ăn dặm bổ sung tốt nhất trong thời gian này.

Nhãn thực phẩm: Miếng giấy nhỏ, lợi ích to! - 3

Dù sữa bò có hàm lượng đạm cao gấp bốn lần sữa mẹ, nhưng tỷ lệ đạm casein quá cao nên trẻ khó tiêu hóa và hấp thu. Vì thế, các nhà máy chế biến sữa sản xuất ra nhiều loại “công thức sữa” riêng biệt phù hợp cho từng độ tuổi. Những thông tin dinh dưỡng quan trọng này đã được ghi rõ ràng vào nhãn thực phẩm dán trên hộp sữa, ví dụ Formula 1 cho trẻ 0-6 tháng, Formula 2 cho trẻ 6-12 tháng, Sữa nguyên kem cho trẻ lớn 1-3 tuổi... hoặc đánh số 1, 2, 3, mỗi số dành cho một độ tuổi khác nhau.

Công thức sữa phổ biến nhất là sữa bò bổ sung tăng cường thêm vitamin, khoáng chất cần thiết cho trẻ đang phát triển, thường dán nhãn “Infant formula”.

Một số nhãn sữa đặc biệt khác như: “Lactose-free infant formula” (không có đường lactose) dành cho trẻ không tiêu hóa được loại đường này; “Soy-based infant formula” (đạm đậu nành) dành cho trẻ dị ứng với casein sữa bò; “Goats Milk Infant Formula” (sữa dê); “Thickened Infant Formula” (sưa hơi đặc) dành cho trẻ hay nôn trớ; “HA” hay “Partially Hydrolysed Infant Formula HA” là sữa dành cho trẻ có nguy cơ dị ứng cao…

* Nhãn thực phẩm cho người bệnh

+ Tăng huyết áp sẽ chọn ra món súp rau nào có ít muối hơn cho mình.

Nhãn thực phẩm: Miếng giấy nhỏ, lợi ích to! - 4

+ Đái tháo đường chọn loại sữa ít chất béo và không thêm đường

Nhãn thực phẩm: Miếng giấy nhỏ, lợi ích to! - 5

Thay lời kết

Nhãn dinh dưỡng thực phẩm rất cần thiết. Qua đọc nhãn thực phẩm, người tiêu dùng nhanh chóng tìm ra thư loại phù hợp với sở thích, tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ … của bản thân.

Hiện nay, khi quá nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo, giới thiệu quá mức, nhãn thực phẩm sẽ giúp cho người tiêu dùng có bằng chứng (evidence based) để không bị trả tiền mua cho những món ăn không có giá trị thực.

Tóm lại, nên mua thức ăn có dán nhãn dinh dưỡng thực phẩm rõ ràng, và cần đọc kỹ thành phần, chi tiết trước khi trả tiền.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam