1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nhân loại dồn nguồn lực để bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Một trong những vấn đề nổi bật tại COP16 đang diễn ra tại Cali (Colombia) là việc huy động nguồn lực và tài chính để bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.

Hội nghị lần thứ 16 của Công ước Đa dạng Sinh học (CBD COP 16) đã khai mạc ngày 20/10, có sự tham gia của Việt Nam.

Sự kiện quy tụ 23.000 đại biểu từ hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hội nghị lần này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, trong bối cảnh các nước đang nỗ lực triển khai Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu Kunming-Montreal (KMGBF) đã được thông qua tại COP15 năm 2022.

Trong thông điệp video trước khi bắt đầu đàm phán, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres kêu gọi các quốc gia "rời Cali (vào ngày 1/11) với những khoản đầu tư đáng kể vào quỹ Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu và cam kết huy động các nguồn tài chính công và tư nhân khác để thực hiện nó một cách toàn diện".

Ông nhấn mạnh: "Đó là việc tôn trọng những lời hứa về tài chính và tăng tốc hỗ trợ cho các nước đang phát triển vì những dịch vụ thiên nhiên cung cấp như thụ phấn và nước uống sẽ gây ra tổn thất hàng nghìn tỷ đô la hàng năm cho các quốc gia, trong đó những người nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất".

Nhân loại dồn nguồn lực để bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu - 1

Hội nghị thu hút hơn 23,000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới (Ảnh: Cục Bảo tồn).

Hội nghị lần thứ 16 của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học ở Cali là cuộc họp đầu tiên của cộng đồng quốc tế kể từ khi thông qua vào năm 2022, trong COP15, một lộ trình chưa từng có để bảo vệ thiên nhiên.

Nhưng việc áp dụng Thỏa thuận "Côn Minh-Montreal" này với các mục tiêu đầy tham vọng cho đến năm 2030 lại không tiến triển đủ nhanh.

Thiết lập các cơ chế hiệu quả để bảo tồn đa dạng sinh học

Sự kiện kéo dài hai tuần từ ngày 21 đến hết ngày 01/11, dự kiến sẽ là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai các mục tiêu đầy tham vọng của KMGBF đến năm 2030.

Trong đó, đáng chú ý là việc bảo vệ 30% diện tích đất liền và đại dương, giảm các khoản trợ cấp gây hại và khôi phục các hệ sinh thái đã bị suy thoái.

Các cơ chế quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và KMGBF sẽ được thảo luận để thông qua tại Hội nghị bao gồm phương thức để vận hành cơ chế đa phương cho việc chia sẻ công bằng và bình đẳng lợi ích từ việc sử dụng thông tin trình tự số về nguồn gen, bao gồm việc thiết lập quỹ toàn cầu; cơ chế huy động nguồn lực và tài chính; cơ chế lập kế hoạch, giám sát, báo cáo và đánh giá và các phương thức khác.

Thông tin trình tự số của nguồn gen (DSI: Digital Sequence Information on genetic resources), mở ra tiềm năng lớn trong nghiên cứu nông nghiệp, dược phẩm và công nghệ sinh học, nhưng cũng đặt ra thách thức về quyền tiếp cận và chia sẻ lợi ích.

Thiết lập cơ chế chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng Thông tin trình tự số của nguồn gen là một chủ đề trọng tâm của Hội nghị các bên tham gia Công ước lần này. Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc thiết lập quỹ toàn cầu để hỗ trợ cơ chế DSI, bao gồm việc xác định ai sẽ đóng góp, mức đóng góp, và cách thức phân bổ quỹ này.

Một trong những vấn đề nổi bật tại COP16 là việc huy động nguồn lực và tài chính để bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.

Mục tiêu huy động 200 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 đặt ra yêu cầu cần xây dựng cơ chế tài trợ toàn cầu, bên cạnh việc hợp tác với khu vực tư nhân, phát triển tín chỉ đa dạng sinh học, và các hình thức tài chính kết hợp với sự tham gia của các ngân hàng phát triển đa phương.

Đa dạng chủ đề thảo luận

Ngoài vấn đề tài chính, các đại biểu cũng sẽ bàn luận về vai trò của cộng đồng địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học, tác động của biến đổi khí hậu, mối liên hệ giữa sức khỏe và đa dạng sinh học, cũng như các nguy cơ từ loài ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gen.

Các chủ đề này sẽ lần lượt được thảo luận trong suốt hội nghị để tiếp nối thành công từ COP15 và giải quyết những thách thức hiện tại.

Nhân loại dồn nguồn lực để bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu - 2

Đoàn Việt Nam tại lễ Khai mạc Hội nghị lần thứ 16 của Công ước Đa dạng Sinh học (Ảnh: Cục Bảo tồn).

Là thành viên của CBD, Việt Nam thể hiện trách nhiệm đối với quốc tế trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Việt Nam với tài nguyên sinh học phong phú và đa dạng, đã đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của KMGBF thông qua việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2022.

Sự tham gia của Việt Nam tại COP16 tiếp tục khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết các thách thức đối với đa dạng sinh học. Trong bối cảnh môi trường ngày càng bị đe dọa, sự hợp tác toàn cầu là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai bền vững của Việt Nam và thế giới.