1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loài người sẽ phải đối mặt nhiều thảm họa dữ dội khi nhiệt độ tăng 2,7 độ C

Phạm Hường

(Dân trí) - Không cần phải nhìn đâu xa mới thấy biến đổi khí hậu gây ra những gì, chúng ta đang chứng kiến những thảm họa chưa từng có, xảy ra ở mọi nơi ngay trong năm nay.

Loài người sẽ phải đối mặt nhiều thảm họa dữ dội khi nhiệt độ tăng 2,7 độ C - 1

Những vụ cháy rừng dữ dội nhất từ trước đến trên thế giới đã hủy diệt nhiều thành phố (Ảnh minh họa: Getty).

Siêu bão Yagi ở Việt Nam, bão Helene ở miền đông nước Mỹ và ngay lúc này là bão Milton ở Florida, Mỹ, là những cơn bão nhiệt đới tăng cấp độ nhanh chóng chưa từng thấy.

Những vụ cháy rừng dữ dội nhất từ trước đến nay ở Canada đã hủy diệt nhiều thành phố. Hạn hán chưa từng có ở Brazil cũng làm cạn khô những dòng sông lớn, chỉ còn trơ đáy. Ít nhất 1.300 người đã thiệt mạng trong mùa hành hương ở Mecca khi nhiệt độ nơi này vượt trên 50 độ C.

Điều đáng sợ là những gì sắp xảy ra với chúng ta còn kinh khủng hơn thế. Báo cáo Tình hình khí hậu 2024 mới đây của Nhà xuất bản Oxford, Anh, do các nhà khoa học quốc tế soạn thảo đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc về cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày một sâu sắc hơn.

Ngay cả nếu các nước đạt được mục tiêu giảm phát thải của mình thì thế giới vẫn có thể ấm lên thêm 2,7 độ C, tức là gần gấp 2 so với mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C.

Mỗi năm, các nhà khoa học theo dõi 35 dấu hiệu quan trọng nhất của sự biến đổi trên Trái Đất, từ biển đến rừng. Năm nay, 25 trong số 35 dấu hiệu đó đã phá kỷ lục theo hướng tiêu cực.

Con người không quen với những điều kiện sống biến đổi nhiều như vậy. Nền văn minh loài người phát triển nhanh chóng trong vòng 10.000 năm trở lại đây trong điều kiện ôn hòa, không quá nóng, không quá lạnh.

Tuy nhiên, khí hậu dễ sống đó giờ đây đang nguy cấp. Không lâu nữa, chỉ đến đời cháu của chúng ta là các điều kiện môi trường sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất, hơn bất kỳ yếu tố nào mà con người phải gánh chịu từ thời tiền sử đến nay.

Bất chấp cảnh báo của các nhà khoa học, việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục tăng, đẩy Trái Đất càng đến gần hơn những giới hạn nguy hiểm do tình trạng ấm lên toàn cầu. Cho dù sử dụng năng lượng gió và mặt trời tăng lên nhiều nhưng vẫn ít hơn sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến 14 lần.

Loài người sẽ phải đối mặt nhiều thảm họa dữ dội khi nhiệt độ tăng 2,7 độ C - 2
Tiêu thụ năng lượng toàn cầu theo nguồn, đơn vị tính: EJ.

Tin dữ tiếp theo tin dữ

Chúng ta vẫn chưa giải quyết vấn đề trọng tâm, đó là thường xuyên đốt nhiên liệu hóa thạch. Nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển, nhất là methane và carbon dioxide, vẫn tiếp tục tăng.

Tháng 9/2023, carbon dioxide trong khí quyển lên đến mức kỷ lục là 418 ppm. Tháng 9 năm nay, con số này là 422 ppm. Methane, một khí nhà kính có tiềm năng gây ấm lên toàn cầu rất cao, đang tăng với tốc độ báo động bất chấp các cam kết quốc tế nhằm hạn chế phát thải.

Phát thải tăng khiến nhiệt độ tăng, trong khi làm mát thì giảm. Các hạt sol khí lơ lửng trong khí quyển sinh ra từ tự nhiên và từ hoạt động của con người có lợi ích hạ nhiệt cho Trái Đất thì nay đang suy giảm. Không có hiệu ứng làm mát này, tốc độ ấm lên toàn cầu càng tăng nhanh. Hiện nay các đặc điểm của sol khí vẫn chưa được giám sát đầy đủ.

Một vấn đề khác cũng góp phần làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu là nạn chặt phá rừng ở những khu vực quan trọng, ví dụ như vùng Amazon đang làm Trái Đất mất dần khả năng hấp thụ carbon một cách tự nhiên. Carbon làm Trái Đất ấm lên, ấm lên lại làm cây chết, cây chết khiến carbon không được hấp thụ, … đó là một cái vòng luẩn quẩn.

Thêm vào đó, băng tan cũng là một thảm họa. Băng tan hoặc không thể hình thành làm lộ ra thêm những diện tích nước biển sẫm màu. Băng phản xạ ánh sáng mặt trời còn nước biển lại hấp thụ ánh sáng đó. Càng tăng diện tích nước biển tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì tốc độ ấm lên cũng tăng theo.

Trong vài chục năm tới, mực nước biển dâng sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho các cộng đồng sinh sống ven biển, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ mất nơi ở.

Đẩy nhanh các giải pháp

Trong báo cáo do nhà xuất bản Oxford phát hành, các nhà khoa học nhấn mạnh đến giải pháp, bao gồm:

  • Ngừng ngay và ngừng toàn diện việc sử dụng thường xuyên các nhiên liệu hóa thạch, có các biện pháp hạn chế đối với các nước giàu có nhưng gây nhiều phát thải, thực hiện ngay và mạnh các chính sách ngăn chặn phát thải methane vì methane có tiềm năng ấm lên toàn cầu cao nhưng thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn, nhanh chóng giảm phát thải methane sẽ nhanh chóng làm chậm tốc độ ấm lên.
  • Các giải pháp khí hậu tự nhiên như khôi phục rừng và cải tạo đất sẽ tăng hấp thụ và lưu giữ carbon trong rừng và đất, kết hợp với các biện pháp phòng cháy rừng và hạn hán ở những khu vực dễ xảy ra thiên tai, bởi trồng rừng mà để bị cháy thì không ích gì.
  • Các chính sách nghiêm ngặt hơn về sử dụng đất để giảm tốc độ khai hoang và tăng đầu tư vào quản lý rừng nhằm giảm nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng trên diện rộng và khuyến khích sử dụng bền vững quỹ đất.

Chúng ta không được bỏ qua công lý khí hậu. Các nước kém phát triển hơn là những nước phát thải ít hơn nhưng lại chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất do các tai họa khí hậu.

Các nước phát triển nhiều hơn phải cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước kém hơn thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời với việc cắt giảm phát thải, ví dụ như đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải thiện cơ sở hạ tầng và tài trợ cho các chương trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thảm họa.

Cam kết giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 1,5 độ C cần được tôn trọng và thực hiện mạnh mẽ hơn. Nếu không có các thay đổi lớn, thế giới sẽ đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng khoảng 2,7 độ C ngay trong thế kỷ này.

Đã quá muộn để ngăn biến đổi khí hậu không xảy ra. Tai họa này đang ngự trị và có thể sẽ diễn biến xấu hơn nhiều. Bằng cách cắt giảm phát thải, thúc đẩy các giải pháp tự nhiên và hướng tới công bằng khí hậu, cộng đồng toàn cầu có thể chống lại viễn cảnh tương lai tồi tệ nhất của loài người.

Theo www.sciencealert.com