Nguy cơ không thể chữa lành lỗ thủng ozone
(Dân trí) - Thế giới đang tin tưởng rằng lỗ thủng ozone đang lành lại, nhưng một nghiên cứu mới đây đã phủ nhận điều đó. Còn nguyên nhân nào khác ngoài sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu?
Gần đây, nhiều thông tin khoa học nói rằng lỗ thủng ozone đang lành lại. Đây được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lĩnh vực môi trường để khắc phục những tác động tiêu cực do phát thải khí nhà kính gây ra. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây có thể phủ nhận thành tựu đó.
Theo nghiên cứu này, kể từ năm 2004, các mức độ ozone ở lỗ thủng ozone Nam Cực đang suy giảm đến 26%. Tác giả chính của nghiên cứu, Nghiên cứu sinh sau Tiến sỹ Hannah Kessenich ở Trường đại học Otago, Mỹ, cho biết điều đó có nghĩa là lỗ thủng ozone không chỉ rất to mà còn ngày càng sâu hơn trên hầu khắp vùng trời Nam Cực.
Mặc dù vậy, cụm từ "lỗ thủng ozone" không thực sự là một lỗ thủng xuyên qua tầng ozone của Trái Đất, mà nó là một vùng ở đó tầng ozone mỏng hơn những chỗ còn lại. Vì vậy, toàn bộ tầng ozone vẫn tiếp tục bảo vệ chúng ta khỏi những tia cực tím nguy hiểm của Mặt Trời, chỉ có điều ở khu vực "lỗ thủng" này, chúng ta được bảo vệ ít hơn.
Trước đây, theo yêu cầu cấp bách của các nhà khoa học, nhiều nước đã tham gia ký kết Nghị định thư Montreal về việc hạn chế dần và cấm sử dụng hơn 100 hóa chất làm suy giảm tầng ozone. Gần đây, các nhà khoa học khẳng định rằng lỗ thủng ozone đang lành lại.
Nhưng nếu kết quả nghiên cứu mới đây là chính xác thì lỗ thủng đó không hề đang lành lại như chúng ta tưởng. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu nói rằng sự suy giảm ozone ở khu vực Nam Cực có thể bị tác động bởi những thay đổi của xoáy cực Nam Cực, tức là một vòng xoáy có áp suất thấp và không khí rất lạnh ở phía trên cao.
Các nhà nghiên cứu không đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của những thay đổi này. Mặc dù vậy, họ nhấn mạnh những yếu tố có thể góp phần làm các lỗ thủng ozone mở rộng hơn, trong đó có yếu tố ô nhiễm do ấm lên toàn cầu cũng như những biến đổi của chu trình mặt trời.