1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Người đàn ông Ý thời trung cổ đã thay thế bàn tay bị cắt bỏ bằng... vũ khí

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy một bộ xương hóa thạch thú vị của người đàn ông Ý có niên đại từ thời trung cổ. Có vẻ như người đàn ông này đã trải qua cả cuộc đời với một con dao gắn với cánh tay, thay cho bàn tay bị cắt bỏ của mình.

Người đàn ông Ý thời trung cổ đã thay thế bàn tay bị cắt bỏ bằng... vũ khí - 1

Bộ xương này được tìm thấy trong một nghĩa địa Longobard ở miền bắc Ý, có niên đại khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ VIII sau Công nguyên. Trong hàng trăm bộ xương đã được chôn ở đó, như con ngựa không đầu và một vài loại chó săn, bộ xương này đặc biệt nổi bật.

Bộ xương này là của một người đàn ông trung niên, tuổi từ 40 đến 50, và ở giữa cẳng tay của cánh tay phải đã bị cắt rời.

Các nhà nghiên cứu, đứng đầu bởi nhà khảo cổ Ileana Micarelli của Đại học Sapienza ở Roma, xác định rằng bàn tay đã bị cắt bỏ do “chấn thương kín” (blunt force trauma), nhưng chính xác bằng cách nào và tại sao thì chưa thể nói được.

Họ đã viết trong bài báo của mình: "Một khả năng khiến cho chân tay bị cắt bỏ là các lý do y tế, có lẽ cánh tay này đã bị gãy do tai nạn ngã hoặc một số nguyên nhân khác, dẫn đến một vết gãy không thể gắn lại được”.

"Tuy nhiên, với nền văn hoá đặc thù chiến tranh của người Longobard, sự mất mát này cũng có thể do chiến đấu"

Khi kiểm tra kỹ hơn, phần cuối của xương cho thấy bằng chứng về áp lực cơ sinh học - định hình lại cả hai xương để tạo thành mô sẹo (callus), và gai xương trên xương khuỷu tay. Chúng phù hợp với loại áp lực có thể đã được tạo nên bởi một bộ phận giả.

Những bằng chứng khác về bộ xương ủng hộ giả thuyết này. Răng của người đàn ông cho thấy sự mài mòn quá mức - tổn thất lớn của men răng, và tổn thương xương. Cụ thể, răng bị mòn sâu xuống dưới phía bên phải miệng để lộ ra tủy răng gây ra nhiễm trùng.

Điều gì đã được làm với “bộ phận giả”? Có lẽ ông ta đã dùng răng để siết chặt dây đai, giữ nó đúng vị trí.

Người đàn ông Ý thời trung cổ đã thay thế bàn tay bị cắt bỏ bằng... vũ khí - 2

Vai của ông ta cũng cho thấy bằng chứng về điều này. Một khung xương hình chữ C đã được phát triển do việc giữ vai ở vị trí mở rộng không tự nhiên để dùng miệng thắt chặt bộ phận giả. Cách duy nhất mà độ cong này có thể hình thành là chuyển động để thắt chặt dây đai xảy ra thường xuyên.

Tất cả các nơi chôn cất nam giới khác có dao ở khu vực này đều có tay và vũ khí đặt ở hai bên. Nhưng người đàn ông này thì không. Ông có cánh tay phải cong ở khuỷu tay, và đặt ngang qua thân mình. Bên cạnh đó là một lưỡi dao, chuôi dao nối với cổ tay bị cắt rời. Cũng tại khu vực cắt rời, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một cái khóa hình chữ D và vật liệu hữu cơ bị phân huỷ - rất có thể là da.

Điều này cho thấy một nắp bằng da trên cánh tay cụt này, một cái khóa dùng để buộc và một con dao gắn vào nắp, mặc dù mục đích là không rõ ràng. Tuy nhiên, với sự phục hồi mau chóng của xương, rõ ràng người đàn ông này đã sống một thời gian dài sau khi bàn tay bị cắt bỏ.

Nhóm nghiên cứu đã chia sẻ sự thú vị của bộ xương trong bài báo của mình: "Người đàn ông Longobard này cho thấy sự sống sót đáng chú ý sau khi cắt bỏ tay trong suốt thời kỳ tiền kháng sinh. Ông không chỉ điều chỉnh rất tốt tình trạng của mình, mà còn thực hiện tốt việc sử dụng thiết bị có đặc trưng văn hoá cùng với sự hỗ trợ cộng đồng".

"Sự sống còn của người đàn ông này chứng tỏ cho sự chăm sóc của cộng đồng, sự đồng cảm của gia đình và sự coi trọng cuộc sống con người."

Bài báo được xuất bản trong Tạp chí Khoa học Nhân loại.

Đào Hiền (Theo Sciencealert)