1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ngôn ngữ không được ghi chép được sử dụng tại một vùng nhỏ ở Malaysia

(Dân trí) - Trên thế giới còn rất nhiều điều con người chưa từng biết đến. Mới đây người ta đã phát hiện một loại ngôn ngữ chưa từng được ghi chép lại, được sử dụng tại một khu vực nhỏ ở bán đảo Malay.

Ngôn ngữ không được ghi chép được sử dụng tại một vùng nhỏ ở Malaysia - 1

Trong số những ngôi làng xa xôi ở bán đảo Malay ở đông nam châu Á, các nhà ngôn ngữ học đã phát hiện một ngôn ngữ trước đây chưa từng được biết đến.

Ngôn ngữ này, được gọi là Jedek, chỉ được sử dụng trong 280 người sống dọc sông Pergau ở Sungai Rual. Bên ngoài khu vực này, thứ ngôn ngữ ngày được cho là hoàn toàn không được ghi chép lại.

Xã hội của họ được xem là bình đẳng giới hơn các xã hội phương Tây. Cũng gần như không có bạo lực giữa các cá nhân và cạnh tranh giữa trẻ con không được khuyến khích. Nói cách khác, điều này được phản ánh trong ngôn ngữ của họ. Ví dụ, không có động từ để biểu thị sự sở hữu – dù là để mượn, ăn cắp, mua hay bán – nhưng họ có rất nhiều từ để miêu tả những hành động liên quan đến trao đổi, hợp tác và chia sẻ.

Niclas Burenhult và Joanne Yager, hai nhà ngôn ngữ học đến từ Đại học Lund ở Thụy Điển, đã phát hiện ngôn ngữ này khi họ đang nghiên cứu ngôn ngữ Jahai ở cùng khu vực đó. Trước đây đã có rất nhiều người đã đến thăm và nghiên cứu xã hội này, đây không phải là một bộ lạc tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng thứ ngôn ngữ khác biệt này trước đây chưa từng được chú ý tới. Nghiên cứu của họ về ngôn ngữ này được đăng trên tạp chí Linguistic Typology.

Yager lí giải: “Chúng tôi nhận ra rằng một bộ phận lớn dân làng nói một ngôn ngữ khác. Họ sử dụng các từ, âm vị, và cấu trúc ngữ pháp không được sử dụng trong ngôn ngữ Jahai. Một vài từ gợi liên kết với những ngôn ngữ Aslian khác được sử dụng từ xa xưa tại những nơi khác ở bán đảo Malay”.

Trong khi việc toàn cầu hóa tiếp tục lan khắp thế giới, những ngôn ngữ ít được biết đến như Jedek đang biến mất nhanh chóng. Theo Dự án Ngôn ngữ Nguy cấp, hiện có hơn 6.000 ngôn ngữ được sử dụng trên toàn thế giới, và hơn 40% trong số đó đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trên thực tế, trong vòng 100 năm, có khả năng hơn một nửa những ngôn ngữ này sẽ biến mất. Qua việc ghi chép và trân trọng những ngôn ngữ thiểu số này, giới ngôn ngữ học hi vọng nó có thể giúp bảo tồn một vài nền văn hóa ít người biết đến, cũng như cung cấp thêm hiểu biết về văn hóa, lịch sử và nhận thức của con người.

Burenhult bổ sung: “Có rất nhiều cách để làm người, nhưng thường thì những xã hội hiện đại và chủ yếu là xã hội thành thị được sử dụng làm thước đo cho con người nói chung. Chúng ta phải học rất nhiều thứ, đặc biệt là về bản thân, từ sự phong phú về văn hóa và ngôn ngữ nguy cấp và phần lớn không được ghi chép ngoài kia”.

Lộc Xuân (Theo IFLScience)