1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ngôi sao lớn nhất vũ trụ to cỡ nào?

Minh Khôi

(Dân trí) - Nằm cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng, ngôi sao UY Scuti lớn hơn Mặt Trời của chúng ta tới 1.700 lần.

Ngôi sao lớn nhất vũ trụ to cỡ nào? - 1

Siêu sao khổng lồ UY Scuti (giữa) khi nhìn từ Đài quan sát Rutherfurd, Đại học Columbia, New York vào năm 2011 (Ảnh: Space).

Nếu bạn nghĩ rằng Mặt Trời là ngôi sao lớn nhất trên bầu trời, thì ắt hẳn bạn đã nhầm. Ở cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng, một ngôi sao có độ lớn tuyệt đối đã luôn thách thức sự hiểu biết của ngành vật lý thiên văn.

UY Scuti - người khổng lồ trong số những người khổng lồ

UY Scuti là thiên thể giữ danh hiệu ngôi sao lớn nhất được biết đến. Nó là một ngôi sao siêu khổng lồ, có màu đỏ, thậm chí còn lấn át cả những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm của chúng ta.

Ước tính, bán kính của nó lớn hơn Mặt Trời của chúng ta tới 1.700 lần.

Điều này có nghĩa là nếu UY Scuti được đặt ở trung tâm Hệ Mặt Trời, nó sẽ nhấn chìm quỹ đạo của Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa và thậm chí có thể là Sao Mộc. Đây là minh họa cho thấy quy mô khổng lồ của thiên thể này.

Tầm quan trọng tuyệt đối của UY Scuti đã đặt nó vào một đẳng cấp riêng, vượt xa các ngôi sao đáng chú ý khác như Alpha Orionis (hay còn được gọi là Betelgeuse) về kích thước tuyệt đối.

Sự to lớn của ngôi sao siêu khổng lồ này không chỉ thách thức sự hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của các hệ sao, mà còn thu hút trí tưởng tượng của những người yêu thích thiên văn.

Điều đó mang đến cho ta một góc nhìn rõ ràng về sự to lớn của vũ trụ và vị trí của chúng ta ở bên trong đó.

Sự hình thành của ngôi sao là một quá trình không biết đã kéo dài từ khi nào, nhưng bắt đầu từ phần lõi dày đặc, lạnh lẽo của các đám mây phân tử khổng lồ nằm rải rác khắp các thiên hà.

Những đám mây khí và bụi này trở thành "vườn ươm" cho các sao để chúng hình thành. Quá trình này diễn ra khi các vùng bên trong chúng sụp đổ dưới lực hấp dẫn, tạo điều kiện cho phản ứng tổng hợp hạt nhân trong lõi hình thành.

Tuy nhiên, quá trình này phức tạp hơn đối với các ngôi sao siêu lớn, vì sự hình thành của chúng có thể liên quan đến sự hợp nhất của các ngôi sao nhỏ hơn, thông qua sự bồi tụ một lượng vật chất từ môi trường xung quanh chúng.

Ngôi sao lớn nhất vũ trụ to cỡ nào? - 2

Hình ảnh mô tả về sự khổng lồ của UY Scuti (Ảnh: Getty).

Đo kích thước của ngôi sao thế nào?

Các nhà khoa học đã sử dụng nhiều phương pháp phức tạp để đo kích thước của một ngôi sao, kết hợp nghệ thuật quan sát với độ chính xác của khoa học hiện đại.

Quá trình này bao gồm việc thu thập dữ liệu từ các kính thiên văn được trang bị để nhìn sâu vào vũ trụ, vượt ra ngoài lớp bụi và khí phân tán khắp Dải Ngân hà.

Kỹ thuật chính được sử dụng là giao thoa kế. Phương pháp này kết hợp ánh sáng nhận được từ nhiều kính thiên văn để tạo ra hình ảnh chi tiết hơn về một ngôi sao.

Nó cho phép các nhà khoa học xác định kích thước biểu kiến của ngôi sao với độ chính xác vượt trội, ngay cả khi nó nằm cách xa hàng nghìn năm ánh sáng.

Bên cạnh đó, việc đo độ sáng phát ra của một ngôi sao cũng cung cấp những manh mối quan trọng về kích thước của nó. Tính toán này bao gồm ánh sáng được hấp thụ và phân tán bởi lớp bụi giữa các ngôi sao, nhằm đảm bảo dữ liệu phản ánh đúng đặc điểm thực tế của ngôi sao.

Những quan sát trên cho phép các nhà khoa học suy ra khoảng cách và kích thước của ngôi sao.

Bên cạnh UY Scuti, còn có rất nhiều ngôi sao đặc biệt khác hiện đang nắm giữ các kỷ lục. Điển hình như R136a1, hiện là ngôi sao nặng nhất trong vũ trụ.

Nằm trong Dải mây Magellan Lớn, cách Trái Đất khoảng 165.000 năm ánh sáng, R136a1 là thành viên của lớp sao siêu lớn hiếm có, nặng gấp hơn 170 đến 230 lần khối lượng Mặt Trời của chúng ta.

Danh hiệu ngôi sao sáng nhất vũ trụ xét về độ sáng nội tại thì thuộc về Eta Carinae. Ngôi sao phát ra ánh sáng màu xanh lam này nằm cách Trái Đất khoảng 7.500 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Carina. Ước tính, Eta Carinae sáng hơn Mặt Trời của chúng ta hàng triệu lần.

Nghiên cứu về những ngôi sao đặc biệt như vậy cung cấp những hiểu biết vô giá về quá trình hình thành, tiến hóa và số phận của những hệ sao trong vũ trụ.