Tìm thấy ngoại hành tinh trong vùng có thể ở được

Minh Khôi

(Dân trí) - Siêu Trái Đất "có khả năng sinh sống" được xác định ở cách chúng ta 137 năm ánh sáng.

Tìm thấy ngoại hành tinh trong vùng có thể ở được - 1

Hình minh họa về siêu Trái Đất với bầu khí quyển và sự xuất hiện của nước trên bề mặt (Ảnh: Getty).

Sử dụng dữ liệu từ Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA, các nhà thiên văn học vừa phát hiện một ngoại hành tinh nằm trong vùng có thể sinh sống được.

Hành tinh này được gọi là TOI-715b, lớn gấp khoảng 1,5 lần Hành tinh Xanh của chúng ta, nhưng nhỏ hơn nhiều so với các hành tinh băng khổng lồ của hệ Mặt Trời.

TOI-715b nằm gần sao chủ và có quỹ đạo nhanh, có nghĩa hành tinh thường xuyên bay qua phía trước ngôi sao. Cụ thể, nó quay quanh ngôi sao lùn đỏ TOI-715 gần đó với chu kỳ 19,3 ngày Trái Đất.

Do là ngoại hành tinh nằm ở ngoài hệ Mặt Trời và có khối lượng lớn hơn Trái Đất, nên nó thuộc vào hạng mục của một siêu Trái Đất.

Theo TS. Georgina Dransfield và các đồng nghiệp tại Đại học Birmingham (Anh), khoảng cách lý tưởng tới ngôi sao chủ thậm chí có thể mang lại cho hành tinh này nhiệt độ thích hợp để nước lỏng hình thành trên bề mặt.

Tất nhiên, một số yếu tố khác sẽ cần được xác định rõ để tiến tới điều kiện khí hậu giống như trên Trái Đất, đặc biệt là việc sở hữu bầu không khí thích hợp.

Các chuyên gia của NASA cho biết hành tinh này là một lựa chọn tối ưu để quan sát bằng kính viễn vọng không gian James Webb trong tương lai.

TS. Dransfield cho biết ông thực sự muốn biết khối lượng của hành tinh này với độ chính xác cao, để hiểu rõ hơn về việc liệu nó có phải là một siêu Trái Đất thực sự.

Ông thừa nhận rằng nhân loại hiện chưa có kính thiên văn nào với khả năng làm được điều này, nhưng sẽ có thể thực hiện được trong thập kỷ tới.

Khám phá này cũng vượt quá mong đợi ban đầu đối với TESS khi tìm thấy một thế giới có kích thước ngang bằng Trái Đất trong vùng có thể ở được.

Không chỉ vậy, TOI-715c - hành tinh nhỏ hơn nằm trong cùng hệ sao - cũng là một ứng viên thuộc trong vùng có thể ở được.

Theo dự kiến vào năm 2026, sứ mệnh PLATO của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ được khởi động với 26 camera sẽ được đưa đến các hành tinh có thể ở được để nghiên kỹ hơn.

Trong sứ mệnh này, TOI-715b và TOI-715c chắc chắn là những điểm đến được mong đợi nhất, vì chúng có thể sẽ giải mã bí ẩn về các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời, nhưng lại có đặc điểm thực sự giống với Trái Đất.