1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ngôi làng bí ẩn chìm dưới lòng hồ cổ

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà khoa học đang cố gắng giải đáp bí ẩn vì sao một ngôi làng của cộng đồng định cư sớm nhất châu Âu lại ẩn náu đằng sau pháo đài cổ đầy chông.

Ngôi làng bí ẩn chìm dưới lòng hồ cổ - 1

Thợ lặn tìm kiếm di vật khảo cổ ở hồ Ohrid. (Ảnh: Adnan Beci/AFP).

Chìm sâu dưới làn nước màu ngọc lam của hồ Ohrid được mệnh danh là "hòn ngọc Balkan", một ngôi làng vừa được các nhà khoa học phát hiện. Đây có lẽ là nơi sinh sống của cộng đồng định cư sớm nhất ở châu Âu, nhưng vì sao nó lại được giấu bên trong một pháo đài đầy chông là câu hỏi các nhà khoa học đang cố gắng giải đáp.

Theo các nhà khảo cổ học, một đoạn bờ hồ Balkan thuộc Albania từng là nơi định cư của cư dân nơi đây khoảng 8.000 năm trước. Ngôi làng với những mái nhà sàn đã trở thành làng cổ nhất được phát hiện ở châu Âu.

Phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy di tích này xuất hiện khoảng 6.000 đến 5.800 năm trước Công nguyên.

Giáo sư khảo cổ học Albert Hafner ở Trường đại học Bern, Thụy Sỹ, nhận định ngôi làng này lâu đời hơn khoảng vài trăm năm so với di tích khác nằm bên bờ Địa Trung Hải và vùng Alpine của châu Âu. "Đối với chúng ta, nó là ngôi làng cổ nhất châu Âu", ông nói.

Những ngôi làng khác được coi là cổ nhất đã được phát hiện ở vùng núi Alps thuộc Italia cũng có niên đại khoảng 5.000 năm trước Công nguyên. Giáo sư Hafner và nhóm nghiên cứu đã dành 4 năm qua để tiến hành nhiều công tác khai quật khảo cổ ở vùng hồ Ohrid, Albania, cụ thể là ở vùng biên giới miền núi giữa Albania và Bắc Macedonia.

Ngôi làng bí ẩn chìm dưới lòng hồ cổ - 2

Thợ lặn tìm kiếm di vật khảo cổ ở hồ Ohrid. (Ảnh: Adnan Beci/AFP).

Khu định cư được cho là nơi sinh sống của khoảng 200 đến 500 người, trong những ngôi nhà sàn dựng trên mặt hồ hoặc ở những khu vực thường xuyên bị ngập do nước dâng.

Trong quá trình khai quật khảo cổ, nhóm nghiên cứu phát hiện ra một số bí mật đáng kinh ngạc.

Trong một lần lặn xuống đáy hồ, họ tìm thấy bằng chứng cho biết khu định cư này được bảo vệ bởi hàng nghìn tấm chông bẹt dựng thành hàng rào. "Để bảo vệ mình theo cách này, họ đã phải đốn hạ cả một cánh rừng", giáo sư Hafner nói.

Nhưng vì sao dân làng phải bảo vệ họ một cách kiên cố như vậy thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Họ ước tính rằng khoảng 100.000 tấm chông đã được cắm xuống lòng hồ.

Hồ Ohrid là một trong những hồ nước lâu đời nhất trên thế giới, nó đã tồn tại hơn nửa triệu năm nay. Nhờ những thợ lặn lão luyện, các nhà khảo cổ học có thể tìm kiếm các di vật dưới đáy hồ và phát hiện ra nhiều mảnh gỗ hóa thạch và mảnh gỗ sồi quý giá.

Phân tích vòng gỗ của thân cây đã giúp nhóm nghiên cứu tái dựng lại cuộc sống thường ngày của cư dân nơi đây. Đây là những hiểu biết giá trị về điều kiện khí hậu và môi trường về thời đó.

"Gỗ sồi giống như đồng hồ Thụy Sỹ, cực kỳ giá trị, nó như một cuốn lịch vậy",  giáo sư Hafner nói. "Để hiểu được tình hình của vùng đất tiền sử này mà không làm hỏng nó, chúng tôi đang thực hiện nhiều nghiên cứu rất tỉ mỉ, việc đi lại, di chuyển được thực hiện rất chậm rãi và cẩn thận".

Các nhà nghiên cứu nhận định việc xây dựng ngôi làng nhà sàn là một công việc rất phức tạp, khó khăn và điều quan trọng là chúng ta vẫn chưa biết vì sao họ lại lựa chọn cách làm đó.

Phỏng đoán ban đầu cho rằng có thể người dân nơi đây xưa kia sống dựa vào nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi gia súc để có thức ăn, vì nhóm nghiên cứu tìm thấy nhiều loại hạt, cây trồng khác nhau và nhiều xương của động vật hoang dã lẫn thuần hóa.

"Đây là di tích thời tiền sử có tầm quan trọng then chốt để tìm hiểu lịch sử không chỉ của vùng đất này mà còn của toàn bộ khu vực Tây Nam châu Âu", giáo sư Hafner cho biết. Theo kế hoạch, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục công việc này trong khoảng 20 năm tới để tìm hiểu đầy đủ và sâu hơn để đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo www.sciencealert.com