Hóa thạch cho thấy điều bất ngờ trong "thời đại khủng long"
(Dân trí) - Các khám phá ở Trung Quốc thách thức quan điểm cho rằng động vật có vú sơ khai chỉ là nguồn thức ăn cho khủng long
Hóa thạch cho thấy một con Repenomamus robustus cắn vào xương sườn của khủng long Psittacosaurus lujiatunensis (Ảnh: Gang Han)
Cho dù sở hữu hàm răng, móng vuốt sắc nhọn hay chỉ đơn giản là to lớn, khủng long vẫn là những sinh vật đáng sợ. Nhưng một mẫu hóa thạch mới được khám phá cho thấy rằng, ít nhất là đôi khi, kẻ bị săn đã cắn lại kẻ đi săn.
Các chuyên gia cho biết hóa thạch khủng long 125 triệu năm tuổi này đã bị đóng băng sau khi bị một loài động vật có vú nhỏ bằng một phần ba kích thước của nó tấn công.
Chúng quấn vào nhau, răng của con vật có vú cắm sâu vào xương sườn của con khủng long mỏ khoằm, bàn chân trái của nó siết chặt hàm dưới của con quái thú.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này đã thách thức quan điểm bấy lâu nay cho rằng động vật có vú sơ khai chỉ là "nguồn thức ăn" cho khủng long.
Tiến sĩ Jordan Mallon, đồng tác giả của bài nghiên cứu, có trụ sở tại Bảo tàng Tự nhiên Canada, cho biết: "Hóa thạch mới này khiến chúng ta hiểu rằng trong 'thời đại khủng long' của Đại Trung sinh, khủng long không phải lúc nào cũng là vua.
Ngay cả những loài động vật có vú nhỏ hơn chúng cũng có thể trở thành mối đe dọa, báo trước sự vươn lên thống trị của động vật có vú cách đây 66 triệu năm".
Mẫu hóa thạch của động vật có vú, được phát hiện ở Lujiatun của hệ tầng Yixian thuộc kỷ Phấn trắng ở Trung Quốc vào tháng 5 năm 2012, được nhóm nghiên cứu xác định là loài Repenomamus robustus - một sinh vật cổ đại có kích thước bằng một con mèo nhà.
Nạn nhân trong cuộc tấn công của nó là Psittacosaurus lujiatunensis, một loài khủng long mỏ khoằm ăn thực vật, đi bằng hai chân - và là họ hàng xa của khủng long ba sừng sau này - có kích thước tương đương một con gà trống.
Các tác giả của nghiên cứu công bố trên tạp chí Báo cáo Khoa học, cho biết không cá thể nào đã trưởng thành hoàn toàn vào thời điểm nó chết, đồng thời cho biết thêm rằng 2 con vật đang quấn chặt với nhau dường như đã bị một thảm họa tự nhiên tiêu diệt khi con thú đang cố gắng tấn công con khủng long.
Các chi tiết trong mẫu hóa thạch cho thấy động vật có vú nhỏ dường như "quấn chặt" vào cá thể khủng long (Ảnh: Gang Han).
"Việc không có vết cắn trên bộ xương khủng long, vị trí của động vật có vú nằm ở phần thân trên, gần phần đầu của khủng long, hành động nắm và cắn của động vật có vú, cho thấy rằng động vật có vú đang săn con khủng long yếu ớt và cả hai đột nhiên bị dòng chảy của dung nham cùng các mảnh vỡ phun ra từ núi lửa chôn vùi."
Các nhà nghiên cứu cho biết các tính toán của họ cho thấy loài động vật có vú này có thể đã cố gắng săn một con khủng long, lưu ý rằng các loài động vật có vú thỉnh thoảng tự mình săn những sinh vật lớn hơn bản thân chúng nhiều lần.
Đây không phải là lần đầu tiên những người săn tìm hóa thạch tìm thấy động vật có vú "lật ngược tình thế" với khủng long.
Năm 2005, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một hóa thạch của loài Repenomamus robustus với phần còn lại của một con khủng long Psittacosaurus non trong dạ dày của nó từ cùng một vùng của Trung Quốc.
Giáo sư Steve Brusatte, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh cho biết ông rất kinh ngạc trước mẫu hóa thạch này.
Tái hiện cảnh cá thể khủng long bị tấn công bởi loài động vật có vú (Ảnh: Michael Skrepnick).
"Bảo quản một khúc xương trong 125 triệu năm đã đủ khó, bảo quản một bộ xương khủng long trọn vẹn còn khó hơn, nhưng bắt được hai con vật bị vùi lấp ngay trong trận chiến của chúng, điều đó thật kỳ diệu", ông nói.
"Có vẻ như đây là một cuộc đi săn thời tiền sử, bị vùi lấp trong đá, trở thành một khung hình đóng băng. Và điều này thay đổi hoàn toàn cách nhìn của chúng ta về thời đại khủng long.
Chúng ta thường nghĩ về thời đại đó khi khủng long thống trị thế giới và các loài động vật có vú nhỏ bé thu mình trong bóng tối. Nhưng đây là một loài động vật có vú dường như đang ăn thịt một con khủng long".
Mặc dù các tác giả thừa nhận rằng đã có những báo cáo về các hóa thạch giả mạo trước đây, nhưng họ nói rằng điều đó khó có thể xảy ra ở đây, đặc biệt là khi hai bộ xương như được quấn vào nhau.
Họ cũng tiến hành kiểm tra tính xác thực của hóa thạch bằng cách để kiểm tra hàm dưới bên trái của loài động vật có vú, và nhận thấy con thú đã "lao vào trận chiến và cắn chặt phần xương sườn của khủng long".
Nhưng Brusatte cho biết vẫn còn một số lo ngại chính đáng về tính toàn vẹn của hóa thạch.
"Trước đây đã có những hóa thạch được phát hiện từ vùng này của thế giới và các nhà khoa học đã không tự mình khai quật những mẫu vật này. Không còn nghi ngờ gì nữa, bộ xương là thật, nhưng tôi cho rằng tư thế của các bộ xương có thể đã bị thay đổi, mặc dù tôi không có bằng chứng chính xác nào về điều này", ông nói.
"Khi khoa học nghiên cứu về hóa thạch nhiều hơn, tôi hy vọng nghi ngờ này có thể được dập tắt".