1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nghiện Internet có thể gây rối loạn tâm thần

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới đây, lạm dụng internet có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu, đặc biệt là ở sinh viên đại học.

Nghiện Internet có thể gây rối loạn tâm thần - 1

Nghiên cứu này chỉ ra rằng những người nghiện internet phải đối mặt với những rắc rối ngày càng lớn trong cuộc sống hàng ngày ở nhà, tại nơi làm việc, nơi học tập và ngoài xã hội.

Họ gặp vấn đề với việc lập kế hoạch và quản lý thời gian, thiếu tập trung cũng như nhiễu loạn hoạt động, giảm chú ý (ADHD). Nghiện internet có thể cũng liên quan mạnh mẽ tới hành vi giống như hành vi ám ảnh và một vài thói nghiện khác ở sinh viên.

Michael Van Ameringen từ Đại học McMaster – Canada nói: “Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi như chúng ta có đánh giá thấp tỷ lệ nghiện internet và các vấn đề sức khỏe tâm thần là nguyên nhân hay hậu quả của sự lạm dụng internet?”

Nghiên cứu này có thể cũng có những tác động về mặt y học thực hành. Theo Ameringen, cần có thêm nghiên cứu về vấn đề này trên mẫu lớn hơn.

Bài kiểm tra chứng nghiện internet (IAT) được phát triển vào năm 1998, trước khi công nghệ điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi, là bài kiểm tra tiêu chuẩn duy nhất được sử dụng để đánh giá việc lạm dụng internet. Sử dụng internet đã thay đổi trong hơn 18 năm qua với một số lượng đáng kể những người làm việc trực tuyến, sử dụng mạng xã hội cả ngày.

Ở nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 254 sinh viên và liên kết việc sử dụng internet với sức khỏe tâm thần nói chung và tâm trạng. Theo IAT, chỉ có 33 sinh viên đạt các tiêu chí sàng lọc về chứng nghiện internet. Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện thêm một loạt các bài kiểm tra tự khai để xem sự khác nhau giữa người nghiện internet và người không nghiện trong khảo sát ở các khía cạnh như triệu chứng của bệnh trầm cảm và lo âu, thái độ bốc đồng, thiếu tập trung và hoạt động điều hành, cũng như các xét nghiệm ADHD. Các kết quả được công bố gần đây ở hội nghị của Đại học Neuropsychopharmacology châu Âu (ECNP) tại Vienna.

Hà Ngân (Theo THS)