1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nghiên cứu phát hiện một số loài cá có thể đi bộ trên mặt đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Khám phá giúp các nhà khoa học lý giải nguyên nhân tại sao những loài sinh vật biển đầu tiên lại có thể đi lại được trên mặt đất dễ dàng tới vậy.

Theo một nghiên cứu mới đây, một số lượng lớn các chủng cá Châu Á mang theo khả năng đi được trên cạn bằng 4 "chân" - thực chất là các vây được tiến hóa để di chuyển trên bề mặt mà vốn dĩ giống loài này không thể.

Nghiên cứu phát hiện một số loài cá có thể đi bộ trên mặt đất - 1

Một số trường hợp điển hình như loài cá chạch sông Nam Á thường bám vào đá ở nơi nước xiết bằng vây của mình, cho phép chúng không bị trôi đi, hoặc thậm chí di chuyển ngược dòng.

Hay ví dụ khác thuộc về loài cá sống trong hang động có tên khoa học là Cryptotora thamicola, cũng được phát hiện có thể đi được trên đất liền

Lý giải cho hiện tượng kỳ thú này, một nhóm nghiên cứu tại viện Công nghệ New Jersey (Mỹ) đã tiến hành phân tích gen dựa trên công nghệ quét micro-CT và lấy mẫu ADN của 72 con cá chạch. Từ đó họ tạo được cây phả hệ tiến hóa của một họ cá "có chân".

Nghiên cứu phát hiện một số loài cá có thể đi bộ trên mặt đất - 2

Cá thòi lòi (mudskipper) nổi tiếng với khả năng đi trên cạn và trèo cây với vây ngực có cấu tạo như 2 chân trước.

"Trong đa số các họ nhà cá, không có mối liên hệ nào giữa xương lưng và xương khớp vây. Nhưng những con cá này khác biệt là do chúng có xương hông", Giáo sư Brooke Flammang, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo đó, những con cá có ‘xương hông’ lớn và linh hoạt nhất do tiến hóa sẽ có khả năng "đi lại" tốt nhất.

Trong những chủng cá được phân tích, có tổng cộng 11 loài mang theo những chiếc hông linh hoạt này, giúp chúng di chuyển trên mặt đất tựa như loài kỳ nhông.

Nghiên cứu phát hiện một số loài cá có thể đi bộ trên mặt đất - 3
Nghiên cứu phát hiện một số loài cá có thể đi bộ trên mặt đất - 4

Khung xương loài Cryptotora thamicola dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Tuy nhiên, mặt đất ở đây được hiểu không phải là đất cạn, mà chỉ là các dòng nước chảy xiết, hoặc nơi có mực nước nông, như tại các hang động. Sự thích nghi này giúp chúng di chuyển dễ dàng trên nhiều địa hình nhằm tiếp cận với nguồn nước giàu oxy dễ dàng hơn.

Giáo sư Flammang cho rằng những con cá này không đại diện cho một loài riêng, mà là một khái niệm tương tự như “mắt xích bị mất” giữa sinh vật sống dưới nước với động vật có chi đi lại được trên mặt đất.

Nghiên cứu phát hiện một số loài cá có thể đi bộ trên mặt đất - 5

Loài cá chạch sông Homaloptera bilineata có thể leo lên cành cây và một số mặt phẳng bằng tứ chi.

"Xuyên suốt quá trình tiến hóa, sinh vật sống đã liên tục thích ứng bằng những hình thái thay đổi cơ thể tương đương, là kết quả của áp lực từ chọn lọc tự nhiên", Giáo sư Flammang cho biết.

Đặc tính này cũng là điểm mấu chốt giúp những con cá không bị trôi theo dòng nước nơi chúng sinh sống, theo Zach Randall - nhà sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida nhận định.

Nhờ cơ chế tiến hóa này, các nhà nghiên cứu có thể học hỏi từ những vận động sinh ra trong quá trình đi lại của cá, và sử dụng nó để hiểu rõ cách những sinh vật - vốn đã tuyệt chủng, có thể đi lại trên mặt đất.