Nghiên cứu mới chỉ ra điều đáng lo ngại ở thực phẩm siêu chế biến
(Dân trí) - Thực phẩm siêu chế biến như đồ ăn nhẹ, đồ uống và bữa ăn làm sẵn... có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác, và tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Thực phẩm siêu chế biến: Những nguy cơ tiềm ẩn
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nhận ra rằng chế độ ăn uống kém lành mạnh - đặc biệt là đồ ăn nhiều chất béo và đường, có thể gây ra những thay đổi bất lợi cho não.
Một nghiên cứu mới đây tiếp tục chỉ ra rằng chế độ ăn uống nghèo nàn cũng là yếu tố gây suy giảm trí nhớ trong quá trình lão hóa thông thường. Không chỉ vậy, nó cũng đồng thời làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Khi nói về đồ ăn "nghèo nàn", nghiên cứu dường như muốn nhấn mạnh về một số chế độ ăn kiêng bao gồm các loại thực phẩm siêu chế biến, bao gồm: Đồ ăn nhẹ, đồ uống và bữa ăn làm sẵn có chứa chất phụ gia, màu nhân tạo, chất bảo quản, nhiều đường, muối và chất béo nhưng rất ít dinh dưỡng.
Đây từ lâu đã được xem là nhóm thực phẩm thường gây ra các bệnh bao gồm bệnh tim, tiểu đường, béo phì, một số bệnh ung thư và giảm tuổi thọ. Theo một thống kê, những loại thực phẩm này chiếm tới 60% trong chế độ ăn kiêng của nhiều người.
Khi đánh giá kỹ hơn về một số chế độ ăn kiêng nhất định, phát hiện mới khẳng định chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác, và tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Để có được kết quả này, các nhà nghiên cứu đã so sánh tốc độ suy giảm nhận thức trong khoảng 8 năm giữa các nhóm người tiêu thụ lượng thực phẩm siêu chế biến khác nhau, gồm hơn 10.000 người tham gia sống ở Brazil.
Nghiên cứu thứ 2 được thực hiện với khoảng 72.000 người tham gia ở Anh, đã đo lường mối liên quan giữa việc ăn thực phẩm chế biến sẵn và chứng mất trí nhớ.
Cụ thể, đối với nhóm ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến nhất, có xấp xỉ 1 trong số 120 người được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ trong khoảng thời gian 10 năm. Đối với nhóm tiêu thụ ít hoặc không tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến, con số này là 1 trên 170.
Một cách khác mà chế độ ăn kiêng và thực phẩm siêu chế biến có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của não là thông qua trục ruột - não.
Đây là mối giao tiếp cơ bản của cơ thể người, xảy ra giữa não và hệ vi sinh vật đường ruột hoặc các vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa. Chúng có tác động trực tiếp tới các hormone và chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng đối với chức năng của não.
Do đó, việc nắm rõ và giải quyết những tác động cụ thể của từng loại thực phẩm đối với cơ thể con người là vô cùng quan trọng.
Ít chất dinh dưỡng, nhiều thành phần có hại
Dần theo thời gian, không khó để nhận ra thực phẩm siêu chế biến có xu hướng ít chất dinh dưỡng và chất xơ hơn. Một số ví dụ có thể kể đến như soda, bánh quy đóng gói, khoai tây chiên, bữa ăn đông lạnh, các loại hạt có hương vị, sữa chua có hương vị, đồ uống có cồn chưng cất và thức ăn nhanh...
Ngay cả bánh mì đóng gói, vốn dĩ là những loại ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng, cũng được coi là siêu chế biến trong nhiều trường hợp do có chứa các chất phụ gia và chất bảo quản.
Ở chiều hướng ngược lại, chúng lại đi kèm nhiều đường, chất béo và muối hơn so với thực phẩm chưa chế biến hoặc chế biến tối thiểu. Đây đều là những cách chế biến làm thay đổi trạng thái tự nhiên của thực phẩm, dẫn tới nguy cơ bị béo phì và mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh mạch máu bao gồm cả đột quỵ.
Cũng cần phân biệt giữa thực phẩm siêu chế biến với thực phẩm đã qua chế biến. Đối với thực phẩm đã qua chế biến, chúng vẫn giữ được hầu hết các đặc tính tự nhiên, dù đã trải qua một số hình thức chế biến như rau đóng hộp, mì khô hoặc trái cây đông lạnh.
Dẫu vậy, một điểm đáng lo ngại khác là nhiều loại thực phẩm đã qua chế biến ngày nay cũng có những đặc điểm giống như thực phẩm siêu chế biến. Đó là chúng đều có chứa chất phụ gia, chất bảo quản hoặc chất tạo màu.
Do vậy, nghiên cứu khẳng định không rõ liệu việc ăn nhiều thực phẩm đã qua chế biến có mang đến bất kỳ tác động tiêu cực tương tự nào với sức khỏe hay không.