Bình Định:

Nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ mặt trời

(Dân trí) - Khoảng 74 nhà khoa học đến từ 20 quốc gia trên thế giới đã đến tham dự sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 2 về khoa học các hành tinh ngoài hệ mặt trời” diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam.
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam.

Ngày 26/2, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Cộng hòa Pháp) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Sở KH-CN tỉnh này tổ chức sự sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 2 về khoa học các hành tinh ngoài hệ mặt trời”.

Sự kiện khoa học này diễn ra trong thời gian 5 ngày, thu hút 74 nhà khoa học đến từ 20 quốc gia tham dự.

Khai mạc hội nghị lần thứ 2 về khoa học của các hành tinh ngoài mặt trời.
Khai mạc hội nghị lần thứ 2 về khoa học của các hành tinh ngoài mặt trời.

Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết: “Hội nghị lần thứ 2 về khoa học của các hành tinh ngoài hệ mặt trời diễn ra trong 5 ngày. Hội nghị sẽ đưa đến những thảo luận giữa các nhà quan sát của các chương trình khác nhau dựa trên không gian, mặt đất với các nhà lập mô hình, các nhà lý thuyết nhằm nâng cao các quan sát mới, mô hình mới, nâng cao hiểu biết và kiến thức về các ngoại hành tinh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Guillaume Hébrard (Viện Vật lý Thiên văn Pháp) cho biết: “Nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ mặt trời nhằm mục đích khám phá vũ trụ và sự đa dạng của nó, cũng như hạn chế các mô hình về sự hình thành và phát triển của các hệ hành tinh. Về lâu dài, nghiên cứu này cũng cung cấp các nhân tố hướng tới việc phát hiện các tiềm năng của cuộc sống ngoài trái đất. Các kỹ thuật phát hiện khác nhau như vận tốc xuyên tâm, quá cảnh, thấu kính hiển vi, hình ảnh trực tiếp, thời gian hoặc phương pháp vũ trụ, đã phát hiện ra hàng nghìn hành tinh…”.

Các nhà khoa học thế giới sẽ nghiên cứu sự phát triển cũng như hạn chế của các hành tinh ngoài hệ mặt trời.
Các nhà khoa học thế giới sẽ nghiên cứu sự phát triển cũng như hạn chế của các hành tinh ngoài hệ mặt trời.

Theo Guillaume Hébrard, cùng với các quan sát, nghiên cứu lý thuyết về các hành tinh ngoài hệ mặt trời cũng đã trải qua những cải tiến rất lớn. Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đang phát triển các mô hình và mô phỏng, sự tiến hoá quỹ đạo của chúng thông qua di chuyển hoặc tương tác lẫn nhau, hoặc tính chất bầu khí quyển của chúng.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn (Bình Định) được thành lập với mục tiêu chính là phát triển Khoa học và giáo dục, giúp các sinh viên và các nhà khoa học Châu Á gặp gỡ với các nhà khoa học quốc tế để giao lưu, học hỏi và tăng cường thêm kiến thức thông qua các buổi thuyết trình và chia sẻ ý tưởng với các nhà khoa học cấp cao.

Có khoảng 74 nhà khoa học từ 20 quốc gia trên thế giới tham gia sự kiện này.
Có khoảng 74 nhà khoa học từ 20 quốc gia trên thế giới tham gia sự kiện này.

Kể từ năm 2014, Hội khoa học gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức chuỗi các hội nghị hàng năm về Khoa học hành tinh, trong đó tập trung vào các hành tinh ngoài hệ Mặt trời, Hệ Mặt trời, sự sống ngoài hệ Mặt trời. Trong khuôn khổ đó, Trung tâm ICISE sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 2 về khoa học của các hành tinh ngoài hệ mặt trời từ ngày 25/2 đến ngày 2/3/2018.

Doãn Công