Cuộc "chạy đua" lên Mặt Trăng thêm một ứng cử viên nặng ký
(Dân trí) - Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã ghi lại đoạn video hớp hồn về bề mặt Mặt Trăng trước khi con tàu đổ bộ.
Đầu tháng 8 vừa qua, trong khi bay một vòng đầu tiên trên quỹ đạo gần để chuẩn bị hạ cánh xuống Mặt Trăng, tàu vũ trụ mang tên Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã ghi lại một đoạn video cực kỳ đẹp mắt cảnh tượng trên Mặt Trăng.
Ở rất gần Trái Đất nhưng Mặt Trăng thực sự là một trong những nơi khó hạ cánh nhất đối với các con tàu vũ trụ. Trên thực tế, gần một nửa số chuyến bay không người lái dự định hạ cánh xuống nơi này đã bị thất bại.
Mặc dù Ấn Độ đã tham gia vào cuộc đua lên Mặt Trăng và tàu thám hiểm của họ đã bay trên quỹ đạo hành tinh này, nhưng họ vẫn chưa lần nào thành công trong việc hạ cánh. Chandrayaan-3 là nỗ lực mới nhất hiện nay để Ấn Độ ghi tên vào danh sách những nước "có mặt" trên hành tinh này.
Nhưng vì sao việc đưa một con tàu không người lái đổ bộ xuống Mặt Trăng lại khó như vậy? Về cơ bản, đó là vì Mặt Trăng có lớp khí quyển rất mỏng, đến nỗi nó không thể tạo ra một lực kéo để giúp một con tàu vũ trụ giảm tốc khi tiếp cận hành tinh này.
Chính vì thế những vòng quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng là rất quan trọng và Chandrayaan-3 đang cố gắng thực hiện việc này thật chính xác để có thể dần dần giảm tốc một cách tự nhiên và tiếp cận ngày càng gần hơn với bề mặt Mặt Trăng.
Tuy vậy, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Mặc dù Ấn Độ đã thành công khi đưa con tàu đi vào quỹ đạo Mặt Trăng một cách thuận lợi, nhưng nếu kiên định với mục tiêu hạ cánh xuống nơi này, họ sẽ phải đảm bảo mọi vòng quay của con tàu trên quỹ đạo đều chính xác theo kế hoạch và con tàu sẽ đạt tốc độ đủ chậm trước khi thực hiện quá trình hạ cánh.
Cuộc chạy đua lần thứ hai của các quốc gia lên Mặt Trăng đã được khởi động. Một vài nước đang khẩn trương đưa những con tàu mới tham gia cuộc đua này, và vấn đề chỉ còn là thời gian. Tất cả những gì chúng ta có thể làm lúc này là chờ xem lần này Ấn Độ hay những nước nào sẽ thành công, hay sẽ là tàu đổ bộ có người lái Artemis III của NASA đưa con người trở lại nơi này.