1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nga phóng tên lửa Soyuz-2-1a, đưa vệ tinh quân sự lên quỹ đạo

Minh Khôi

(Dân trí) - Đây là vụ phóng thứ hai của Nga kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng trước.

Nga phóng tên lửa Soyuz-2-1a, đưa vệ tinh quân sự lên quỹ đạo - 1

Tên lửa Soyuz-2-1a đưa vệ tinh quân sự lên quỹ đạo (Ảnh: Ria Novosti).

Theo hãng thông tấn Nga Ria Novosti, tên lửa Soyuz-2-1a của Nga đã được phóng hôm 22/3 từ Sân bay vũ trụ Plesetsk, thuộc miền Tây Bắc nước Nga, mang theo một vệ tinh với tên gọi là Meridian-M lên quỹ đạo. 

Được biết, các vệ tinh thuộc dòng Meridian của Nga chủ yếu hoạt động với mục đích cung cấp thông tin liên lạc giữa tàu biển và máy bay trinh sát tại khu vực đường biển phía Bắc với các trạm ven biển và mặt đất. Ngoài ra, vệ tinh còn giúp mở rộng khả năng phát sóng của các trạm liên lạc ở khu vực phía Bắc Siberia.

Vệ tinh Meridian đầu tiên được phóng vào tháng 12/2006, cũng bởi một tên lửa Soyuz. Tính đến nay, đã có tổng cộng 10 vệ tinh loại này được phóng thành công. Về lâu dài, hệ thống vệ tinh hiện đại được lên kế hoạch để thay thế các vệ tinh liên lạc Molniya cũ, cũng như các vệ tinh chuyển tiếp dữ liệu Parus.

Đây được xem là vụ phóng tên lửa với mục đích quân sự thứ hai của Nga kể từ khi triển khai các chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng trước. Trước đó vào ngày 18/3, một tên lửa Soyuz cũng được phóng từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhsta, đưa theo 3 phi hành gia người Nga tới Trạm vũ trụ Quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.

Nga phóng tên lửa Soyuz-2-1a, đưa vệ tinh quân sự lên quỹ đạo - 2

Một tên lửa Soyuz được chuẩn bị phóng tại Sân bay vũ trụ Plesetsk (Ảnh: Roscosmos)

Theo một phát biểu trước đó, ông Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), từng cho biết sẽ cân nhắc điều chỉnh chương trình hoạt động để phù hợp với bối cảnh mới.

"Tất nhiên, các chương trình không gian của chúng tôi sẽ khác trước. Việc quan trọng nhất là xác lập lại các ưu tiên", ông Rogozin cho biết trong một buổi trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Nga.

Ngày 4/3, Roscosmos cũng từng dự kiến phóng 36 vệ tinh của công ty truyền thông toàn cầu OneWeb vào không gian. Tuy nhiên, Roscosmos cho biết sẽ không tiến hành bất kỳ vụ phóng bổ sung nào cho OneWeb trừ khi công ty Anh đảm bảo rằng mạng của họ sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự và chính phủ Anh phải thoái vốn khỏi công ty.

Yêu cầu được đưa ra của Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Anh áp đặt lên quốc gia này sau cuộc tấn công Ukraine từ ngày 24/2. Bị Nga gây khó dễ, OneWeb thông báo đã tìm thấy đối tác mới là SpaceX - công ty vũ trụ tại Mỹ của tỷ phú Elon Musk.

Soyuz-2-1a là loại tên lửa tải trọng hạng trung do Nga chế tạo, được sử dụng để đưa các vệ tinh nhân tạo cũng như tàu vũ trụ lên không gian. Tính đến nay, Soyuz là loại tên lửa duy nhất của Nga đang được sử dụng để đưa con người lên vũ trụ. Ngoài ra, Soyuz cũng là loại tên lửa đẩy được sử dụng nhiều và lâu nhất trên thế giới so với các loại thiết bị phóng khác, với tổng cộng hơn 1.700 lần phóng kể từ khi bắt đầu được dùng vào năm 1966.