Nga cho biết lỗ rò rỉ trên trạm vũ trụ có thể là do phá hoại

(Dân trí) - Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga cho rằng lỗ nhỏ gây rò rỉ không khí trên Trạm Vũ trụ quốc tế vào tuần trước không phải do một thiên thạch va vào như nhận định ban đầu mà chắc chắn đây là một lỗ khoan và rất có thể là bằng chứng của một vụ cố tình phá hoại.

Ông Đi-mi-tơ-ri Rô-gô-din, người đứng đầu cơ quan này cho biết nhận định ban đầu là do tác động của 1 thiên thạch đã bị loại bỏ vì có bằng chứng rõ ràng vỏ của tàu vũ trụ này đã bị tác động từ bên trong ra, do bàn tay của một con người, có dấu vết của một mũi khoan trên bề mặt vỏ tàu.

Nga cho biết lỗ rò rỉ trên trạm vũ trụ có thể là do phá hoại - 1

Lỗ khoan này có đường kính 2 mm được phát hiện hôm thứ Tư tuần trước (ngày 29/8/2018) trên tàu vũ trụ Soyuz đang neo đậu tại Trạm. Theo ông Rô-gô-din, đây rất có thể là một lỗi không cố ý trong quá trình sản xuất tàu nhưng cũng có thể là một sự cố tình phá hoại, việc này có thể đã xảy ra từ khi tàu còn ở Trái Đất hoặc có thể khi đã được đưa lên vũ trụ. “Việc quan trọng bây giờ làm tìm ra lí do tại sao, ai là người chịu trách nhiệm cho việc đó, và chắc chắn chúng tôi sẽ tìm ra.”

Một người phát ngôn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từ chối bình luận về việc này, nhưng cơ quan này cho biết một ủy ban đã được thành lập để xác định nguồn của vụ rò rỉ thông tin, khi mà sự cố đã được các nhà du hành vũ trụ trên Trạm khắc phục hôm thứ Năm (ngày 30/8/2018).

Một cựu phi hành gia của Nga nêu lên khả năng là một phi hành gia đã khoan lỗ này nhằm được sớm trở về Trái Đất, Cơ quan Báo chí Pháp (AFP) cho biết như vậy. Cho dù là lí do lỗi vô tình trong khâu sản xuất hay lỗi cố ý do con người, thì cũng đều rất tệ, trong lịch sử của các con tàu mang tên Soyuz chưa từng có chuyện này – cựu phi hành gia người Nga Mác-xim Xu-ray-ép nói.

Tờ báo Nước Nga Ngày nay đưa tin rằng theo hãng sản xuất tàu vũ trụ Soyuz thì lỗ này đã được khoan từ khi tàu còn ở Trái Đất và do một công nhân khi đó vô tình tạo ra nhưng không báo cáo lại sự cố mà tự mình bịt lại. Vết bịt này tồn tại được hai tháng sau khi tàu được đưa lên quỹ đạo, sau đó bị khô đi và tuột ra do áp suất không khí.

NASA cho biết áp suất trong khoang của Trạm vẫn được giữ ổn định sau khi khắc phục lỗi trên và 6 nhà du hành trên Trạm không gặp nguy hiểm gì.

Phạm Hường (Theo NBCnews)