DNews

NASA thông báo kế hoạch phá hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế

Minh Khôi

(Dân trí) - Trạm vũ trụ Quốc tế sẽ chấm dứt hoạt động vào năm 2030, và được phá hủy vào năm 2031.

NASA thông báo kế hoạch phá hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã là nơi trú ẩn của hàng trăm phi hành gia trong suốt 23 năm qua. Nhưng chuỗi ngày đó sắp kết thúc.

Vào tháng 6, NASA lần đầu tiên thông báo sẽ trả cho công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk số tiền lên tới 843 triệu USD để hỗ trợ việc ngừng hoạt động ISS.

Mới đây, vào ngày 18/7, NASA và SpaceX đã chia sẻ thông tin chi tiết mới nhất về kế hoạch của họ. Theo NASA, một tàu vũ trụ Dragon siêu mạnh, có kích thước cực lớn, sẽ được sử dụng để đẩy ISS ra khỏi quỹ đạo của nó.

Tất nhiên, với kích thước và khối lượng khổng lồ, sẽ không thể hướng trạm ISS một cách bừa bãi xuống Trái Đất. Chúng ta cũng không thể chỉ đơn giản là đẩy nó vào không gian.

NASA thông báo kế hoạch phá hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế - 1

NASA và SpaceX đã thảo luận về chủ đề này. Rốt cuộc, họ quyết định rằng ISS sẽ được đẩy tới một vùng xa xôi của đại dương trên Trái Đất, chẳng hạn như Nam Thái Bình Dương, nơi gần như không có sự hiện diện của con người.

Thời gian dự kiến cho sứ mệnh là vào năm 2031.

Những bước chuẩn bị đầu tiên đã bắt đầu

Ngay từ thời điểm hiện tại, SpaceX đã lên kế hoạch xây dựng tàu vũ trụ Dragon siêu mạnh mà họ đề cập tới trong sứ mệnh "phá hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế".

Để đủ sức tác động lên ISS, SpaceX sẽ nâng cấp cho mẫu tàu Dragon đang được sử dụng để chở hàng một khoang hành lý mới, với công suất lớn và khả năng tăng áp bằng 46 động cơ Draco, nhiều hơn 30 động cơ so với nguyên mẫu.

Phương tiện sẽ dài gấp đôi tàu Dragon thông thường, với lượng nhiên liệu nhiều hơn gấp 6 lần, nhằm tạo ra công suất mạnh hơn 4 lần.

NASA thông báo kế hoạch phá hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế - 2

Diện mạo mới của tàu Dragon sau khi được nâng cấp cho sứ mệnh "phá hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế".

Sarah Walker, Giám đốc quản lý nhiệm vụ Dragon của SpaceX, cho biết phần phức tạp nhất của nhiệm vụ sẽ là quá trình đốt cháy cuối cùng để đẩy ISS vào đúng lộ trình hạ cánh.

"Lực đốt này phải đủ mạnh để đưa toàn bộ trạm vũ trụ bay lên, đồng thời phải chống lại mô-men xoắn và lực cản khí quyển ngày càng tăng tác động lên trạm", Walker cho biết.

"Tất cả nhằm đảm bảo rằng ISS cuối cùng sẽ hạ cánh ở vị trí như mong muốn".

Mở ra chương mới trong khám phá không gian

Trạm ISS được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa nhiều quốc gia. Đến nay, trạm vẫn là thành quả lớn nhất của nỗ lực hợp tác toàn cầu.

Theo NASA, đã có 273 người từ 21 quốc gia đến thăm phòng thí nghiệm trên trạm, hàng nghìn công trình nghiên cứu được thực hiện, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Trải qua 26 năm kể từ ngày lắp đặt những cấu phần đầu tiên, ISS đã khẳng định vị thế là một "tiền đồn" bận rộn, một phòng thí nghiệm quy mô lớn bay trên quỹ đạo Trái Đất, cũng như là nơi duy nhất phi hành gia có thể nghiên cứu khoa học tại điều kiện không trọng lực.

NASA thông báo kế hoạch phá hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế - 3

Phi hành gia Ronald E. Evans, Jr., được chụp khi đang thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian thuộc sứ mệnh Apollo 17 (Ảnh: NASA).

Sarah Walker cho biết, việc SpaceX được trao cơ hội chấm dứt chương trình quan trọng này trong hoạt động thám hiểm không gian là một vinh dự.

"Đây là một trải nghiệm trọn vẹn tuyệt vời đối với tôi và cả SpaceX", Walker xúc động chia sẻ.

Vào năm 2012, Dragon đã trở thành tàu thương mại đầu tiên kết nối với ISS. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, đây cũng sẽ là tàu cuối cùng kết nối với trạm ISS trước khi nó bị phá hủy.

Trước khi chọn SpaceX làm đơn vị hợp tác, NASA đã cân nhắc tới việc thực hiện nhiệm vụ này bằng 3 tàu vũ trụ Progress của Nga.

Tuy nhiên, theo Dana Weigel, Giám đốc chương trình ISS của NASA, ngay cả như vậy cũng không đủ với quy mô của trạm vũ trụ.

NASA và đối tác Nga, Roscosmos, có kế hoạch tiếp tục sử dụng trạm ISS cho đến năm 2030. Đó là thời điểm cả hai cơ quan đều có ý định tách ra và chuyển sang các trạm vũ trụ mới. ISS sẽ được ngưng hoạt động, trước khi tiến tới giai đoạn phá hủy.