NASA phóng thành công tàu vũ trụ Mặt Trăng Artemis-1

Đoàn Trung Nam Minh Khôi

(Dân trí) - Sau 3 lần trì hoãn do các yếu tố từ thời tiết, cho đến trục trặc hệ thống phóng, NASA cuối cùng đã có được buổi phóng thành công dành cho sứ mệnh Artemis-1.

NASA phóng thành công tàu vũ trụ Mặt Trăng Artemis-1 - 1

NASA đã phóng thành công tàu vũ trụ Mặt Trăng Artemis-1 (Ảnh: NASA).

Vào lúc 13:48 (theo giờ Việt Nam), NASA đã phóng thành công tàu vũ trụ Orion thuộc sứ mệnh Artemis-1 tại trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ. Đây là bước khởi đầu đánh dấu thành công của NASA trong sứ mệnh Artemis nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ.

Trước đó, sứ mệnh Artemis-1 từng bị NASA hoãn không chỉ một, mà tới 3 lần do các yếu tố từ thời tiết, cho đến trục trặc hệ thống phóng. Rất may là trong lần gần nhất, mọi thứ đã diễn ra thuận lợi, không có vấn đề nào nghiêm trọng, và NASA đã có được buổi phóng thành công.

Trước giờ phóng khoảng 30 phút, các kỹ sư của NASA đã thực hiện các giai đoạn bơm nhiên liệu hydro lỏng và oxy vào các tầng cuối cùng của tên lửa đẩy SLS.

Một vấn nhỏ xảy ra khi tín hiệu từ một vị trí radar liên quan đến hệ thống phóng bị mất. Song các kỹ sư đã kịp thời khắc phục và các bước chuẩn bị cho quá trình phóng tên lửa SLS vẫn được tiếp tục.

Cần phải nói thêm rằng, Artemis-1 chỉ là bước đầu tiên của một chặng đường dài. Trong sứ mệnh này, NASA sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm không người lái với tàu vũ trụ Orion kéo dài 25 ngày xung quanh Mặt Trăng, rồi quay trở lại Trái Đất. Sứ mệnh sẽ kết thúc vào ngày 11/12.

Bên trong tàu là 3 hình nộm làm bằng vật liệu tái tạo sinh học, có nhiệm vụ thử nghiệm phản ứng trước mức độ rung, gia tốc và bức xạ. Đây được xem là 3 mối nguy hiểm đáng kể nhất đối với con người khi tiến vào không gian sâu.

NASA phóng thành công tàu vũ trụ Mặt Trăng Artemis-1 - 2

Hình ảnh mô phỏng của tàu vũ trụ Orion khi đang bay ngoài quỹ đạo Trái Đất (Ảnh: NASA).

Mục tiêu chính của hoạt động là thử nghiệm tính khả thi của tên lửa và tàu vũ trụ để đảm bảo an toàn cho sứ mệnh có phi hành đoàn, dự kiến diễn sẽ ra vào năm 2024.

David Melendrez, Trưởng nhóm tích hợp hình ảnh Chương trình Orion tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, Mỹ cho biết: "Mỗi cánh của mảng năng lượng mặt trời trên tàu Orion đều có một camera thương mại gắn ở đầu đã được sửa đổi cao để sử dụng trong không gian, cung cấp tầm nhìn ra bên ngoài tàu vũ trụ".

Các mảng năng lượng có thể linh động điều chỉnh vị trí hướng của chúng so với phần còn lại của tàu vũ trụ, điều này nằm giúp tối ưu hóa việc thu thập ánh sáng mặt trời được chuyển đổi thành điện năng để cung cấp năng lượng cho Orion. 

Đồng thời, nó cho phép hệ thống điều khiển chuyến bay trong Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh tại NASA hướng các camera vào các bộ phận khác nhau của tàu vũ trụ để kiểm tra và ghi lại môi trường xung quanh nó, bao gồm cả Trái Đất và Mặt Trăng.

Những bài học từ lần phóng này sẽ được áp dụng cho sứ mệnh tiếp theo, lần lượt là Artemis-2 và Artemis-3 dự kiến được triển khai vào các năm 2024, 2025/2026 với sự góp mặt của các phi hành gia trên tàu.

Sứ mệnh Artemis-1 thành công, Mặt Trăng sẽ trở thành một "trạm cung cấp nhiên liệu" cho các chuyến bay xa hơn vào vũ trụ. Nói cách khác, tên lửa được khởi hành từ Trái Đất sẽ được giảm đáng kể trọng tải cho các sứ mệnh trong tương lai.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm