NASA muốn đưa con người lên sao Kim
(Dân trí) - Khoa học viễn tưởng đầu thế kỉ 20 mô tả sao Kim như một vùng đất diệu kì với thời tiết ấm áp dễ chịu, những cánh rừng xanh mướt và thậm chí có cả khủng long. Năm 1950, Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hoa Kỳ còn mời khách đặt chỗ trước trên chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên, trước cả thời những công ty du hành vũ trụ của tư nhân ra đời.
Ngày nay, sao Kim đã lộ rõ không phải là điểm đến du lịch hấp dẫn nữa. Trong vài thập kỉ qua, rất nhiều các công trình nghiên cứu cho thấy hành tinh này không phải là thiên đường mà thậm chí không khác gì địa ngục với các mức nhiệt độ kinh khủng, khí quyển độc hại và áp suất bề mặt cao khủng khiếp. Mặc dù vậy, NASA hiện đang lên kế hoạch cho một chuyến bay đưa người lên sao Kim. Chuyến bay này có tên gọi tắt là HAVOC.
Liệu một chuyến bay như vậy có thể thực hiện được hay không? Nhiệt độ bề mặt sao Kim khoảng 4600C, nóng hơn cả sao Thủy, mặc dù sao Kim ở xa Mặt Trời gần gấp 2 lần so với sao Thủy. Nhiệt độ này cao hơn cả nhiệt độ tan chảy của nhiều kim loại như là bismuth và chì, hai kim loại có thể biến thành “tuyết” trên những đỉnh núi cao ở sao Kim.
Bề mặt sao Kim là những vùng bằng phẳng mênh mông toàn đá tảng cằn cỗi với các miệng núi lửa chen vào, còn lại là những vùng đồi núi rộng cỡ cả lục địa. Bên cạnh đó còn có những sự kiện chấn động địa chất mới trên bề mặt do sức nóng nằm sâu trong lòng đất gây ra khiến cho các dạng vật chất trên bề mặt tan chảy, phun trào hơi nóng rồi lại đông đặc trở lại. Chắc chắn những sự kiện này sẽ làm bất cứ vị khách nào viếng thăm cũng phải hãi hùng.
Các con tàu sẽ lơ lửng trên không trung
Thực ra ý tưởng của NASA không hẳn là đưa người đặt chân lên sao Kim mà chỉ lợi dụng khí quyển đặc làm bến đỗ để khám phá hành tinh này. Đến nay NASA vẫn chưa công bố thời điểm cụ thể thực hiện chuyến du hành này mà chỉ cho biết đây là một kế hoạch dài hạn và sẽ tùy thuộc vào những chuyến bay thí nghiệm nhỏ xem mức độ thành công đến đâu.
Nếu các chuyến thử nghiệm thành công thì các chuyến bay chính thức sẽ đưa các con tàu đến gần sao Kim, dừng lại lơ lửng trong khí quyển hành tinh này trong một thời gian tương đối dài.
Điều đáng ngạc nhiên là tầng khí quyển phía trên của sao Kim lại là tầng giống với khí quyển Trái Đất nhất trong cả hệ Mặt Trời. Từ độ cao 50 km đến 60 km, áp suất và nhiệt độ ở đây có thể so sánh với tầng khí quyển thấp của Trái Đất. Áp suất khí quyển sao Kim ở độ cao 55 km bằng khoảng ½ áp suất ở mực nước biển trên Trái Đất.
Trên thực tế, ở tầng khí quyển này, bạn có thể hít thở bình thường mà không cần mặc quần áo bảo hộ vì áp suất ở đây tương đương như khi bạn đứng trên đỉnh núi Kilimanjaro cao nhất châu Phi và nhiệt độ dao động trong khoảng 200C – 300C.
Khí quyển ở trên độ cao này cũng đậm đặc đủ để bảo vệ các nhà du hành tránh khỏi bức xạ ion hóa từ vũ trụ. Khoảng cách gần Mặt Trời hơn cung cấp nguồn bức xạ năng lượng mặt trời dồi dào hơn so với ở Trái Đất và có thể tận dụng để tạo ra năng lượng cho các tàu vũ trụ hoạt động.
Theo kế hoạch, tàu vũ trụ sẽ trôi quanh hành tinh này theo gió thổi, có thể lấy đủ không khí có chứa oxy và ni-tơ để thở và thư giãn. Việc giữ cho con tàu trôi nổi là hoàn toàn có thể, vì không khí để thở loãng hơn khí quyển sao Kim và do đó có thể trở thành một dạng khí có sức nâng. Vấn đề nằm ở chỗ trong khí quyển sao Kim có chưa acid sulphuric, vì thế thiết kế tàu cần chống được tác hại ăn mòn của acid này.
May mắn là chúng đã có công nghệ bảo vệ các thiết bị khỏi bị acid hóa. Một số vật liệu rất sẵn như teflon và nhựa có khả năng chống ăn mòn rất tốt và có thể sử dụng để làm vỏ tàu. Như vậy, về lí thuyết, con người hoàn toàn có thể đi lại trong một khoang nhỏ thả ra ngoài tàu vũ trụ, chỉ cần đem theo nguồn dưỡng khí và mặc một bộ đồ bảo hộ chống lại nguy cơ nhiễm hóa chất.
Sự sống trên sao Kim như thế nào?
Tàu thám hiểm Magellan của Mỹ đã vẽ được bản đồ bề mặt sao Kim và vào cuối những năm 70 của thế kỉ trước, các tàu vũ trụ Liên Xô mang tên Venera đã thám hiểm một số địa điểm trên hành tinh này, gửi về Trái Đất những hình ảnh đầu tiên và đến nay là duy nhất về bề mặt sao Kim. Tất nhiên, những bức ảnh này đều cho thấy sao Kim là nơi cực kì khắc nghiệt đối với bất kì dạng sự sống nào.
Mặc dù vậy, tầng khí quyển trên cao của sao Kim lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Một số loại sinh vật ái cực đã từng tồn tại trên Trái Đất có khả năng chịu được điều kiện khí hậu ở độ cao mà các tàu vũ trụ này sẽ bay đến và HAVOC sẽ thử nghiệm xem chúng có thể sống trong khí quyển sao Kim hay không.
Điều kiện khí hậu và thành phần khí quyển hiện nay của sao Kim là kết quả của hiệu ứng khí nhà kính. Khí nhà kính đi vào khí quyển sao Kim và không thể thoát ra, lâu ngày đã làm biến đổi hành tinh này từ một thế giới xưa kia thân thiện gần như anh em sinh đôi với Trái Đất trở thành khắc nghiệt như hiện nay. Mặc dù chúng ta không mong đợi Trái Đất cũng sẽ biến đổi cực đoan tương tự như thế, nhưng sự thực cho thấy những biến đổi khủng khiếp của khí hậu trên Trái Đất rất có thể xảy ra trong một số điều kiện vật lí nhất định.
Khi chạy các mô hình khí hậu hiện nay của chúng ta ở những điều kiện cực đoạn như quan sát được của sao Kim, chúng ta có thể xác định chính xác hơn hậu quả biến đổi khí hậu khủng khiếp đến mức nào. Vì thế sao Kim là một ví dụ rất hữu ích để chúng ta lường trước những biến đổi của hệ sinh thái trên Trái Đất.
Những gì chúng ta biết về sao Kim vẫn còn rất ít ỏi, cho dù hành tinh này là hàng xóm gần gũi nhất. Cuối cùng thì việc tìm hiểu xem 2 hành tinh vốn rất tương đồng này vì sao lại trở nên khác biệt đến vậy sẽ giúp chúng ta hiểu được sự tiến hóa của hệ Mặt Trời và có thể là cả các hệ sao khác trong vũ trụ.
Phạm Hường (The Conversation)