Chúng ta có thể đã đoán sai tuổi của Mặt Trăng
(Dân trí) - Nghiên cứu mới xác định tuổi của Mặt Trăng là 4,46 tỷ năm tuổi, thay vì 4,52 tỷ năm như những dự đoán trước đây.
Phân tích mới dựa trên những mẫu đất đá lấy từ Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo 17 cho thấy tuổi vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất chênh lệch đáng kể so với những dự đoán trước đây. Theo đó, tuổi của Mặt Trăng được xác định là 4,46 tỷ năm, thay vì 4,52 tỷ năm.
Các nhà khoa học thực hiện phân tích này cho biết việc xác định độ tuổi chính xác sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử và sự tiến hóa của Mặt Trăng, cũng như Trái Đất.
Để đi đến kết luận của mình, các nhà khoa học đã nghiên cứu một khoáng chất gọi là "zircon", có trong các mẫu đá Mặt Trăng được đưa về Trái Đất vào năm 1972 bởi sứ mệnh Apollo 17.
Họ tin rằng tinh thể zircon là chất rắn đầu tiên kết tinh sau khi hình thành Mặt Trăng. Cụ thể, chúng được hình thành khi bề mặt nóng chảy của Mặt Trăng đông cứng lại sau vụ va chạm.
"Những tinh thể này đóng vai trò là then chốt cho việc nghiên cứu niên đại của mặt trăng", Giáo sư Philipp Heck tại Đại học Chicago, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Để xác định tuổi của mẫu, các nhà nghiên cứu đã xác định và lập bản đồ các nguyên tử riêng lẻ bên trong nó bằng cách sử dụng chùm electron tập trung chiếu vào.
Sau đó, nhóm sử dụng tia laser để làm bay hơi các nguyên tử, rồi đo tốc độ của các nguyên tử. Dựa trên kiến thức trước đây về tốc độ phân rã của các nguyên tử, các nhà khoa học đã xác định được độ tuổi 4,46 tỷ năm của Mặt Trăng.
"Đây có thể là mảnh Mặt Trăng cổ nhất mà chúng ta từng tìm thấy được cho đến nay", Heck cho biết. "Không có Mặt Trăng, sự sống trên Trái Đất sẽ khác đi. Đó là một phần của hệ thống tự nhiên mà chúng tôi muốn hiểu rõ hơn".