Năm mới nói chuyện lịch: Năm Đinh Dậu là năm nhuận hai tháng sáu

(Dân trí) - Chu kỳ 19 năm rất có ý nghĩa về sự ăn khớp giữa Âm Dương lịch với Dương lịch, cụ thể là cứ sau 19 năm thì ngày tháng tương ứng giữa 2 lịch này lại lặp lại như cũ.

Âm lịch cổ điển

Đơn vị đo thời gian trên Trái Đất cơ bản nhất là ngày. Đó là khoảng thời gian Trái Đất tự quay một vòng quanh trục của nó (một ngày đêm, chia thành 24 giờ). Âm lịch cổ điển dựa trên chu kỳ vòng quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất, mỗi vòng là 29,53 ngày ( làm tròn, thực tế nhiều số lẻ ). Người ta lấy khoảng thời gian này là một tháng, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Một năm gồm 12 tháng sẽ là 29,53 x 12 = 354,36 ngày (làm tròn).

Trong khi đó, thời tiết trên Trái Đất (nhiệt độ, mưa gió, bốn mùa…) lại do Mặt Trời quyết định. Vì Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời theo quĩ đạo hình e líp và đặc biệt là vì trục bắc Nam của Trái Đất nghiêng với mặt phẳng quỹ đạo 23,5 độ nên trong quá trình quay một vòng quanh Mặt Trời hết 365,25 ngày (làm tròn, thực tế là 365,249… rất nhiều số lẻ), mỗi thời điểm, mỗi vùng miền trên Trái Đất tiếp nhận ánh nắng Mặt Trời khác nhau, sinh ra bốn mùa, thời tiết, nhiệt độ, mưa gió… khác nhau theo chu kỳ đó.

Năm mới nói chuyện lịch: Năm Đinh Dậu là năm nhuận hai tháng sáu - 1

Dương lịch lấy khoảng thời gian 1 vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Tời là một năm, gồm 365,25 ngày và chia ra 12 tháng, có tháng 31 ngày, có tháng 30 ngày, riêng tháng 2 bình thường có 28 ngày ( tổng cộng 365 ngày). Để bù số lẻ gần 0,25 nên cứ 4 năm, Dương lịch lại có 1 năm nhuận, tháng 2 có 29 ngày, cả năm 366 ngày ( chính xác là 400 năm có 97 năm nhuận, tháng 2 có 29 ngày, cả năm 366 ngày).

Vì năm Âm lịch cổ điển chỉ có 354,36 ngày nên so với chu kỳ thay đổi thời tiết trên Trái Đất là 365,25 ngày, hụt mất hơn chục ngày. Chỉ vài năm là số ngày chênh lệch này lên đến cả tháng. Chỉ mươi, mười lăm năm, số ngày chênh lệch này lên đến nửa năm. Do đó, Âm lịch cổ điển không phản ánh chính xác thời tiết nữa, nếu năm nào đó Tết Nguyên Đán vào mùa Xuân thì mươi mười lăm năm sau, Tết Nguyên Đán vào giữa mùa Hè!

Điều chỉnh âm lịch theo mặt trời

Từ lâu, người Phương Đông đã biết đến sự sai lệch của Âm lịch cổ điển (chỉ dựa vào Mặt Trăng) so với thời tiết (do Mặt Trời quyết định). Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc tính toán thời vụ trong nông nghiệp và mọi sinh hoạt khác phụ thuộc thời tiết. Vì vậy, người ta tìm cách điều chỉnh lại Âm lịch theo Mặt Trời, thành Âm Dương lịch (lịch ngày nay chúng ta vẫn đang dùng và gọi là Âm lịch nhưng thực ra đó là Âm Dương lịch).

Các cụ quan niệm chuyển động tương đối của Mặt Trời so với Trái Đất là trong mỗi chu kỳ 4 mùa, Mặt Trời đi trên 1 quỹ đạo tưởng tượng gọi là đường Hoàng Đạo. Các cụ quan sát vị trí Mặt Trời hàng ngày trên đường Hoàng Đạo đó luôn thay đổi trong suốt 4 mùa và sau đó lại lặp lại cho 4 mùa tiếp theo. Các cụ đánh dấu 24 vị trí Mặt Trời trên đường Hoàng Đạo đó ứng với 24 ngày gọi là Ngày Tiết ( Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh Trập, Xuân Phân…).

Vì dựa vào Mặt Trời nên các Ngày Tiết này phản ánh đúng trung thực thời tiết. Nếu so với Dương lịch thì Ngày Tiết gần như cố định, chỉ sai lệch 1 ngày (vì Dương lịch cũng có năm nhuận 1 ngày). Ví dụ Lập Xuân vào dịp lập Đảng ( 3 hoặc 4/2), Lập Hạ vào dịp chiến thắng Điện Biên Phủ ( 6 hoặc 7/5), Đông Chí vào dịp thành lập Quân đội NDVN ( 21 hoặc 22/12) v.v…, nhưng so với Âm lịch thì ngày tiết không cố định, mỗi năm mỗi khác. Nếu chúng ta thường xuyên xem Mặt Trời mọc thì cũng nhận thấy sự thay đổi vị trí của Mặt Trời.

Ở Bắc bán cầu, ngày tiết Xuân Phân (20 hoặc 21/3 Dương lịch), mặt Trời mọc đúng hướng Đông và thời gian ngày và đêm cân bằng nhau, cùng là 12 tiếng đồng hồ (vì thế, Quốc tế lấy ngày 20/3 Dương lịch hàng năm làm Ngày Gia đình với ý nghĩa sự hài hòa bình đẳng trong gia đình). Sau đó Mặt Trời mỗi ngày sẽ mọc sớm hơn và lặn muộn hơn, ngày dài dần ra và đặc biệt là lệch dần về phía Bắc.

Năm mới nói chuyện lịch: Năm Đinh Dậu là năm nhuận hai tháng sáu - 2

Đến ngày Hạ chí ( 21 hoặc 22/6 Dương lịch) là ngày dài nhất, đêm ngắn nhất và Mặt Trời lệch Bắc nhiều nhất. Sau đó, Mặt Trời bắt đầu lệch dần về phía Nam và ngày ngắn dần, đến ngày tiết Thu Phân trở lại cân bằng ngày và đêm dài bằng nhau, Mặt trời đúng hướng Đông. Tiếp theo, Mặt trời tiếp tục lệch về phía Nam, ngày tiếp tục ngắn dần cho đến ngày tiết Đông Chí là ngày ngắn nhất, đêm dài nhất, Mặt Trời lệch Nam nhiều nhất. Sau Đông Chí, Mặt Trời trở lại lệch dần về phía Bắc, ngày dài dần cho đến Xuân Phân thì cân bằng ngày đêm và Mặt Trời đúng hướng Đông. Một chu kỳ mới lại tiếp tục. Ở Nam bán cầu thì 4 mùa ngược lại, ngày Xuân Phân ở Bắc bán cầu là ngày Thu Phân ở Nam bán cầu, ngày Hạ Chí ở Bán bán cầu là ngày Đông Chí ở Nam bán cầu… Càng gần Bắc cực và Nam cực, độ lệch của Mặt Trời càng nhiều, chênh lệch ngày và đêm càng lớn ví dụ ở Châu Âu, mùa hè đến 20, 21 giờ vẫn còn nắng, ngược lại , mùa đông, 16, 17 giờ đã tối đen.

Để phản ánh tương đối đúng thời tiết, các cụ điều chỉnh lại Âm lịch dựa vào Ngày Tiết. Cụ thể là yêu cầu mỗi tháng Âm lịch phải có đủ 2 ngày tiết và vẫn lấy 12 tháng làm 1 năm (354 hoặc 355 ngày, trung bình là 354,36 ngày). Tuy nhiên, vì chu kỳ của 24 Ngày Tiết chính là chu kỳ Trái Đất quay quanh Mặt Trời (365,25 ngày) nên cứ 2 đến 3 năm ( 24 đến 36 tháng Âm lịch) lại có tháng không đủ 2 Ngày Tiết. Các cụ khắc phục tình trạng này bằng cách lấy tháng đó làm tháng nhuận, năm đó sẽ có 13 tháng. Chính vì 2 đến 3 năm Âm lịch lại có 1 năm nhuận 1 tháng nên đã bù được số ngày thiếu hụt 354,36 so với 365,25. Sau khi đã điều chỉnh âm lịch theo Mặt Trời, Âm Dương lịch phản ánh tương đối đúng thời tiết. Cứ 2 đến 3 năm, ngày tháng Âm Dương lịch bị “tụt hậu” so với thời tiết thì lại bù vào 1 tháng (29 hoặc 30 ngày). Lúc mới bù, Âm Dương lịch có “vượt quá” so với thời tiết một chút, nhưng sẽ chậm dần lại, đến lúc phản ánh khá đúng thời tiết, rồi tiếp tục chậm, đến lúc “tụt hậu” quá thì lại nhẩy cóc lên 29 hoặc 30 ngày và cứ thế tiếp diễn.

Do điều chỉnh như vậy nên ngày Tết Nguyên Đán quanh quẩn trước hoặc sau ngày tiết Lập Xuân không quá 10 ngày. Các ngày tiết khác cũng vậy du di trước và sau các ngày Mồng 1 hoặc Rằm tương ứng (trong việc xem ngày tốt xấu hàng tháng, người xem kỹ lưỡng không căn cứ vào ngày tháng cụ thể của năm đó mà lấy Tháng Giêng là từ Lập Xuân đến trước Kinh Trập, lấy Tháng Hai là từ Kinh Trập đến trước Thanh Minh, Tháng Ba là từ Thanh Minh đến trước Lập Hạ v.v…).

Chu kỳ 19 năm

Nói chính xác, cứ 19 năm, Âm Dương lịch phải có 7 năm nhuận. Ta có thể đưa ra 2 con số so sánh số ngày theo Dương lịch và số ngày theo Âm lịch trong mỗi chu kỳ 19 năm để thấy độ chính xác của sự điều chính này:

Số ngày theo Âm lịch: 19x 12x 29,53 + 7x 29,53 = 6732,84 + 206,71 = 6939,55 ngày.

Số ngày theo Dương lịch: 19x 365,25 = 6939,75 ngày.

Thực ra do ta làm tròn nên còn “vênh” 0,2 ngày. Nếu tính chính xác năm Dương lịch chưa đến 365,25 ngày và năm Âm lịch hơn 354,36 ngày thì 2 con số này rất khớp nhau.

Năm mới nói chuyện lịch: Năm Đinh Dậu là năm nhuận hai tháng sáu - 3

Chu kỳ 19 năm rất có ý nghĩa về sự ăn khớp giữa Âm Dương lịch với Dương lịch, cụ thể là cứ sau 19 năm thì ngày tháng tương ứng giữa 2 lịch này lại lặp lại như cũ. Ví dụ năm 2017 này, Mồng Một Tết Nguyên Đán vào ngày 28/1 thì các năm trước đây hoặc sau này cách năm nay một bội số của 19 cũng thế. Cụ thể, các năm 1998, 1979, 1960…. hoặc 2036, 2055…. đều ăn Tết vào ngày 28/1. Các ngày Giỗ , Tết khác cũng như vậy. Cụ thể, tình hình các Ngày tiết trong năm Đinh Dậu (2017) như sau: Tháng Giêng có 2 Ngày Tiết là Lập Xuân và Vũ Thủy vào ngày 07 và 22 ( tức 3/2 và 18/2/2017); Tháng Hai có 2 Ngày Tiết là Kinh Trập và Xuân Phân vào ngày 08 và 23 ( tức ngày 05/3 và 20/3/2017); Tháng Ba có 2 Ngày Tiết là Thanh Minh và Cố Vũ vào ngày 08 và 24 ( tức ngày 04/4 và 20/4/2017); Tháng Tư có 2 Ngày Tiết là Lập Hạ và Tiểu mãn vào ngày 10 và 26 ( tức ngày 05/5 và 21/5/2017); Tháng Năm có 2 ngày Tiết là Mang Chủng và Hạ Chí vào ngày 11 và 27 ( tức ngày 05 và 21/6/2017); Tháng Sáu có 2 Ngày Tiết là Tiểu Thử và Đại Thử vào ngày 14 và 29 ( tức ngày 07 và 22/7/2017).

Tháng tiếp theo chỉ có một ngày là tiết lập thu vào ngày 16 (tức ngày 07/7/2017). Người ta gọi tháng này là tháng sáu nhuận. Tháng tiếp theo gọi là Tháng Bảy.

Tháng Bảy có 2 Ngày Tiết là Xử Thử và Bạch Lộ vào các ngày 02 và 17 ( tức ngày 23/8 và 07/9/2017); Tháng Tám có 2 Ngày Tiết là Thu Phân và Hàn Lộ vào các ngày 04 và 19 (tức ngày 23/9 và 08/10/2017); Tháng Chín có 2 Ngày Tiết là Sương Giáng và lập Đông vào các ngày 04 và 19 (tức ngày 23/10 và 7/11/2017); Tháng Mười có 2 Ngày Tiết là Tiểu Tuyết và Đại Tuyết vào các ngày 05 và 20 ( tức ngày 22/11 và 07/12/2017); Tháng Một có 2 Ngày Tiết là Đông Chí và Tiểu Hàn vào các ngày 04 và 19 (tức ngày 21/12/2017 và 05/01/2018); Tháng Chạp có 2 Ngày Tiết là Đại hàn và Lập Xuân vào ngày 04 và 19 ( tức ngày 20/01 và 04/02/2018).

Phạm Văn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm