Mùa xuân đến sớm hơn 16 ngày chỉ trong 10 năm!

(Dân trí) - Biến đổi khí hậu xảy ra kéo theo rất nhiều hệ lụy cho môi trường hệ sinh thái, trong đó phải kể đến việc trái đất nóng lên. Chính vì nhiệt độ tăng lên, dẫn đến việc giao mùa diễn ra sớm hơn, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống các loài sinh vật.

Mùa xuân đến sớm hơn 16 ngày chỉ trong 10 năm! - 1

Trong những năm gần đây, ở nhiều nơi trên thế giới, mùa xuân diễn ra sớm hơn, và mặc dù nghe có vẻ thích thú, đó thực chất là kết quả đáng lo ngại của biến đổi khí hậu. Và bạn càng đi về phía bắc, thì tình hình sẽ càng tệ hơn, như Bắc Cực, và những cư dân độc đáo của nó, đang phải hứng chịu sự thay đổi mạnh mẽ nhất.

Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Scientific Reports, mùa xuân ở Bắc Cực sẽ diễn ra sớm hơn 16 ngày so với 10 năm trước. Trên thực tế, nghiên cứu này chỉ ra rằng cứ đi thêm mỗi mười độ phía bắc xích đạo, mùa xuân đến sớm hơn trung bình bốn ngày. Điều đó có nghĩa là những vùng ở Los Angeles có khả năng sẽ đón chào mùa xuân sớm hơn chỉ một ngày so với 10 năm trước, trong khi mùa xuân tại những vùng ở Chicago hay Washington DC sẽ sớm hơn 4 ngày.

Từ những sinh vật sinh sống tại vùng Bắc Cực, các nhà nghiên cứu đã quan sát thời gian của nhiều hiện tượng sinh học, từ hoa nở và lá mọc cho đến thời gian các loài lưỡng cư bắt đầu xướng âm và các loài chim di trú đến đây. Tổng cộng, họ đã xem xét 743 nghiên cứu trước đó, kết hợp dữ liệu với ghi chép nhiệt độ.

Sự thay đổi quan trọng trong thời gian mùa xuân diễn ra ở Bắc Cực so với những vĩ độ khác nêu bật lên tác động nhanh chóng của biến đổi khí hậu đối với Bắc Cực. Mới gần đây, châu Âu đã bất ngờ ngập trong tuyết và băng, và các nhà khoa học cho rằng đó có khả năng là do tình trạng ấm lên về phía bắc.

Nhiệt độ ấm lên ở Bắc Cực có thể dẫn tới hàng loạt các vấn đề, từ băng tan và biển băng thu hẹp tới ít tuyết và nhiều mưa hơn. Những thay đổi này gây ra vấn đề cho các động vật hoang dã như hải mã và gấu trắng Bắc cực, những loài cần biển băng để săn mồi.


Hải mã phụ thuộc vào biển băng để săn mồi.

Hải mã phụ thuộc vào biển băng để săn mồi.

Trong khi đó, mùa xuân diễn ra sớm hơn 16 ngày không chỉ ảnh hưởng đến nhiệt độ, mà còn có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho những loài động vật phụ thuộc vào tín hiệu mùa. Theo nghiên cứu mới, những loài chim di trú có thể đặc biệt gặp nguy hiểm. Những con chim di chuyển theo mùa này bay rất xa từ những vùng nhiệt đới tới Bắc Cực để sinh sản, nhưng mùa xuân đến sớm hơn có thể gây rắc rối cho chúng.

Tác giả chính của nghiên cứu Eric Post cho hay: “Dù chúng dựa vào tín hiệu nào để di chuyển về phía bắc vào mùa xuân thì đó cũng không phải những dự báo đáng tin cậy về lượng thức ăn sẵn có khi chúng tới đó nếu ở những vĩ độ cao hơn này sự chuyển giao sang mùa xuân bị đẩy lên sớm hơn do sự ấm lên trong tương lai. Những loài thực vật và côn trùng mà những con chim này sẽ ăn khi chúng bay đến Bắc Cực vào mùa xuân sẽ xuất hiện sớm hơn những thay đổi ở những vị độ thấp hơn, nơi những con chim này rời khỏi.

Không rõ chính xác việc chuyển giao mùa sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của động thực vật ở Bắc Cực ra sao, nhưng nó có lẽ sẽ làm gián đoạn hệ sinh thái cân bằng và các mô hình di cư phức tạp mà quá trình tiến hóa mất rất lâu để hoàn thiện.

Lộc Ninh (Theo IFLScience)