1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Một tỷ sinh vật biển chết nằm la liệt trên bãi biển vì nắng nóng kỷ lục

Các chuyên gia cho biết hơn 1 tỷ động vật biển đã chết vì đợt nắng nóng kỷ lục ở dọc bờ biển Thái Bình Dương tại Canada.

Một tỷ sinh vật biển chết nằm la liệt trên bãi biển vì nắng nóng kỷ lục - 1

Vòm nhiệt xuất hiện ở phía tây Canada và tây bắc Mỹ trong 5 ngày đã đẩy nhiệt độ ở các khu vực dọc bờ biển lên đến 40 độ C, phá vỡ kỷ lục về mức nhiệt cao ở Canada. Đây là hiện tượng thời tiết giữ nhiệt độ lại ở một khu vực và ngăn các hệ thống thời tiết khác di chuyển đến.

Sức nóng dữ dội và không ngừng là nguyên nhân chính giết chết khoảng 500 người ở tỉnh British Columbia, góp phần gây ra hàng trăm vụ cháy rừng đang bùng cháy trên toàn tỉnh.

Nhưng các chuyên gia lo ngại hiện tượng thời tiết cực đoan có tác động tàn phá đến sinh vật biển. Christopher Harley, một nhà sinh vật học biển tại Đại học British Columbia, ước tính hơn một tỷ động vật biển có thể đã chết do cái nóng bất thường.

Ông Harley nói: "Thông thường, người ta sẽ không cảm thấy chai sạn dưới chân khi bước đi trên bãi biển. Tuy nhiên, thực tế rằng có rất nhiều xác động vật, vỏ sò nằm la liệt khắp nơi khiến bạn không thể tránh khỏi việc dẫm phải xác sinh vật biển".

Khi đi bộ dọc theo bãi biển ở khu vực Vancouver, ông Harley chia sẻ rằng mùi của đám sinh vật thối rữa rất ghê, rất nhiều trong số đó bị nắng nóng 'nướng chín'.

Một tỷ sinh vật biển chết nằm la liệt trên bãi biển vì nắng nóng kỷ lục - 2

Một tỷ sinh vật biển chết nằm la liệt trên bãi biển vì nắng nóng kỷ lục ở Canada

Ông Harley đã cùng một sinh viên sử dụng camera hồng ngoại để ghi lại mức nhiệt lên dọc theo bờ đá trên biển ở Vancouver, con số đáng kinh ngạc cho thấy trên 50 độ C. "Trời rất nóng, tôi đi với một sinh viên, chúng tôi thu thập dữ liệu một chút rồi lui vào bóng râm và ăn nho đông lạnh. Nhưng tất nhiên những sinh vật biển như trai, sao biển không có lựa chọn đó", ông đùa vui.

Trai là loài động vật có vỏ cứng, chịu được nhiệt độ cao trong khoảng 30 giây. Con hà thậm chí còn cứng hơn, tồn tại ở 40 độ C trong ít nhất vài giờ.

Việc động vật có vỏ chết hàng loạt tạm thời ảnh hưởng đến chất lượng nước vì trai giúp lọc nước biển. Harley cho biết: "Một mét vuông dưới biển có thể là nơi cư trú của hàng trăm con trai. Chúng ta có thể đặt vừa hàng nghìn cá thể trai biển vào một khu vực có kích thước bằng một cái bếp. Những bãi đá dài hàng trăm km là nơi sinh sống của các loài trai, thiệt hại được tính theo cấp số nhân. Và đó mới chỉ tính riêng loài trai. Rất nhiều sinh vật biển có thể đã chết".

Trong khi con trai có thể tái sinh trong khoảng thời gian hai năm, một số loài như sao biển sinh sản chậm hơn, do vậy quá trình phục hồi của chúng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Ông Harley cũng nhận được báo cáo từ các đồng nghiệp về xác hải quỳ và hàu trên bãi biển sau đợt nắng nóng kỷ lục vào đầu tháng 7. Các chuyên gia đã cảnh báo cần thích ứng với thực tế là các đợt nắng nóng đột ngột và kéo dài có thể trở nên phổ biến hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.