Mặt Trời giúp cơ thể tạo ra vitamin D bằng cách nào?
(Dân trí) - Vitamin D được tạo ra khi các hóa chất trong da phản ứng với loại ánh sáng không nhìn thấy được của Mặt Trời.
Phần lớn vitamin D trong cơ thể chúng ta được tạo ra trong da, nhưng chúng ta cũng có thể hấp thụ vitamin D từ một số loại thức ăn như cá, trứng và nấm.
Vitamin D rất quan trọng đối với cơ thể vì nó giúp làm chắc xương và cơ bắp hoạt động tốt. Vitamin này đặc biệt quan trọng đối với người trong độ tuổi phát triển.
Ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng không nhìn thấy được
Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu một chút về ánh sáng mặt trời.
Ánh sáng mặt trời không chỉ là ánh sáng màu vàng đánh thức chúng ta dậy mỗi sáng hoặc chiếu trên da vào những ngày hè. Ánh sáng mặt trời thực ra có rất nhiều loại mang nhiều màu sắc khác nhau, có ánh sáng chúng ta nhìn được và có ánh sáng thì không.
Cầu vồng là một ví dụ của ánh sáng mặt trời nhìn thấy được. Các giọt nước trên trời phân tách ánh sáng thành những màu sắc khác nhau.
Nhưng không phải mặt trời chỉ có từng đấy ánh sáng như ta nhìn thấy trên cầu vồng. Một số loại ánh sáng mắt thường không nhìn thấy được. Một trong số đó là ánh sáng hồng ngoại. Ánh sáng này xuất hiện phía trên màu đỏ của cầu vồng nhưng chúng ta không nhìn thấy được. Ánh sáng hồng ngoại làm chúng ta ấm áp vì nó sinh ra nhiệt. Bạn có thể cảm nhận được hơi ấm của nó trên da vào những ngày mặt trời rực rỡ.
Một loại ánh sáng cũng không nhìn thấy được là ánh sáng cực tím. Nếu mắt thường có thể trông thấy ánh sáng cực tím thì nó ở phía dưới màu tím trên cầu vồng. Ánh sáng cực tím còn được gọi là tia UV hay bức xạ UV.
Có thể bạn sẽ thấy thú vị khi biết rằng cho dù chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng hồng ngoại và ánh sáng cực tím nhưng hầu hết các loài vật lại nhìn được. Trên thực tế, cá vàng nhìn thấy cả hai loại ánh sáng này. Hãy tưởng tượng điều đó thú vị biết bao.
Ánh sáng nào giúp tạo ra vitamin D?
Chúng ta thường dùng chỉ số UV để nhận biết mức độ ánh sáng UV trong không gian. Chỉ số UV thường được thông báo trong các bản tin thời tiết để chúng ta biết được bức xạ UV ngày hôm đó cao đến mức nào.
Có hai dạng ánh sáng UV từ Mặt Trời chiếu đến Trái Đất, gọi là UV-A và UV-B, nhưng chỉ có ánh sáng UV-B chiếu vào da mới có tác dụng tạo ra vitamin D.
Ánh sáng UV-B rất giàu năng lượng, hơi giống như một đứa trẻ không thể ngồi yên một chỗ. UV-B có nhiều năng lượng hơn UV-A và phần năng lượng nhiều hơn đó rất cần để tạo ra vitamin D.
Vậy chính xác thì vitamin D được tạo ra như thế nào?
Khi ánh sáng UV-B chiếu lên da, năng lượng trong ánh sáng đó kết hợp với các hóa chất trên lớp da ngoài cùng. Đôi khi kết quả của sự kết hợp đó là vitamin D được tạo ra và đôi khi lại dẫn đến da bị cháy nắng, và có thể còn gây ra ung thư da.
Khi năng lượng UV-B kết hợp với một hóa chất, nó đem đến cho hóa chất đó nhiều năng lượng hơn, các nhà khoa học mô tả hóa chất đó như là được kích hoạt. Khi có thêm nhiệt do ánh sáng hồng ngoại đem đến, hóa chất được kích hoạt kia thậm chí lại được bổ sung thêm năng lượng, quá nhiều đến mức những liên kết trong hóa chất kia bị phá vỡ và hóa chất đó biến đổi thành một hóa chất hoàn toàn mới.
Hãy hình dung bạn đang nắm tay với tất cả những người bạn xung quanh tạo nên một vòng tròn rộng, rồi cùng chạy vòng tròn rất nhanh. Một số bạn tuột tay và không còn nắm tay nhau nữa. Khi đó vòng tròn bị vỡ, trở thành một hình khác hẳn.
Đó là một ví dụ của điều xảy ra với da. Hóa chất nạp ánh sáng UV-B và biến đổi (do các liên kết giữa các nguyên tử bị phá vỡ) và trở thành vitamin D. Sau đó các mạch máu đi qua da sẽ vận chuyển vitamin D đi.
Nhưng trước khi vitamin D hoạt động tốt trong cơ thể, nó phải đi qua gan rồi đến thận rồi mới trở thành vitamin D ở dạng phù hợp giúp có tác dụng tốt đối với xương và cơ.
Hãy cẩn thận để khỏi bị cháy nắng
Như vậy bạn có thể thấy ánh nắng mặt trời chiếu lên da quan trọng như thế nào. Nhưng bạn không nên để mặt trời chiếu quá nhiều lên da, nếu không bạn sẽ bị cháy nắng.
Vào mùa hè, mặt trời thường chiếu sáng rất mạnh đến mức bạn chỉ cần phơi ra nắng trong vài phút mỗi ngày là đủ để tạo nên vitamin D cho cơ thể.
Tuy nhiên, dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời cũng có nhiều tác dụng tốt khác cho cơ thể, đặc biệt là vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ánh nắng mặt trời chưa gay gắt.
Khi tham gia các hoạt động ngoài trời lâu, bạn cần chống nắng bằng cách đội mũ, mặc quần áo phù hợp, bôi kem chống nắng mỗi khi thấy chỉ số UV từ 3 trở lên.
Vào mùa hè, tốt nhất là bạn nên ở trong nhà hoặc trong bóng râm vào thời gian giữa ngày vì lúc này ánh nắng mặt trời rất gay gắt. Còn vào mùa đông, thời gian giữa ngày lại lại là lúc phù hợp để đi ra ngoài thu nhận ánh sáng mặt trời tốt cho việc tạo vitamin D.