Mặt Trăng là "tủ đông", bảo tồn loài có nguy cơ tuyệt chủng trên Trái Đất?

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiệt độ cực thấp tại một số khu vực trên Mặt Trăng giúp nó trở thành nơi lý tưởng để lưu giữ các mẫu vật cần bảo quản đông lạnh.

Mặt Trăng là tủ đông, bảo tồn loài có nguy cơ tuyệt chủng trên Trái Đất? - 1

Ý tưởng về một cơ sở nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng (Ảnh: Getty).

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số 8 triệu loài tồn tại trên Trái Đất, hơn 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Thậm chí, ước tính này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi nhiều loài có thể đã bị tuyệt chủng trước khi chúng được xác định.

Trước thực tế này, việc tạo lập một kho lưu trữ sinh học với nhiệm vụ bảo quản các mẫu vật của giống loài dưới dạng tế bào có thể là bước tiến tiếp theo của nhân loại. Và khi nói về kho lưu trữ sinh học, không đâu lý tưởng hơn Mặt Trăng.

Mới đây, nhà khoa học Mary Hagedorn và các cộng sự từ Viện Bảo tồn Sinh học (Mỹ) đã nghiêm túc chia sẻ những lợi ích và thách thức của việc tạo ra một kho lưu trữ sinh học trên Mặt Trăng.

Cơ sở này sẽ sử dụng một quy trình gọi là "bảo quản đông lạnh", bao gồm đông lạnh sâu vật liệu tế bào và tạo ra trạng thái hoạt động tạm thời bằng cách sử dụng môi trường tự nhiên của Mặt Trăng.

Tại sao lại chọn Mặt Trăng để làm điều này? Chẳng phải Trái Đất cũng có những nơi rất lạnh hay sao?

Mặt Trăng là tủ đông, bảo tồn loài có nguy cơ tuyệt chủng trên Trái Đất? - 2

Nhiệt độ có thể thường xuyên duy trì ở ngưỡng -196 độ C tại vùng cực của Mặt Trăng (Ảnh: NASA).

Theo lý giải của Hagedorn, trên thực tế ở Trái Đất không có nơi nào đủ lạnh để đạt tới mức độ lưu trữ đông lạnh thụ động. Điều này nghĩa là, chúng ta buộc phải dựa vào công nghệ làm lạnh sâu để giữ cho các mẫu vật ở trạng thái lý tưởng.

Trong khi đó, tại các vùng cực của Mặt Trăng, nơi luôn được che khuất khỏi ánh sáng Mặt Trời, nhiệt độ có thể thường xuyên duy trì ở ngưỡng -196 độ C. Đây chính là môi trường lý tưởng để xây dựng các cơ sở lưu trữ đông lạnh dài hạn.

Tất nhiên, vẫn còn khá nhiều rào cản về mặt hậu cần mà nhân loại phải vượt qua để đến với dự án kho lưu trữ sinh học này. Nhóm nghiên cứu dự đoán, có thể sẽ mất hàng thập kỷ để hoàn thành.

Một trong những thách thức lớn là không chỉ các mẫu cần được đóng gói phù hợp để vận chuyển trong không gian, mà chúng còn phải được bảo vệ khỏi bức xạ cao trên Mặt Trăng.

Ngay từ thời điểm hiện nay, Hagedorn và các đồng nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu sử dụng cá bống sao (tên khoa học: Asterropteryx semipunctata) để thử nghiệm cho dự án.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, trong bối cảnh các dự án khoa học được đẩy mạnh với đích đến là Mặt Trăng, việc tạo lập một kho lưu trữ đông lạnh tại đây chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo www.space.com