Mặt trăng Enceladus của sao Thổ có thể là nơi trú ẩn của sự sống dưới nước

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới, các đại dương của Enceladus – một trong những mặt trăng của sao Thổ - có thể đang tràn ngập sự sống.

Mặt trăng Enceladus của sao Thổ có thể là nơi trú ẩn của sự sống dưới nước - 1

Từ lâu, các chuyên gia vẫn cho rằng có thể tìm thấy sự sống ngoài hành tinh trên một trong những mặt trăng thuộc hệ mặt trời vì chúng có nhiều khả năng chứa nước hơn so với các hành tinh.

Và hiện nay, các nhà khoa học đã có một bước đột phá trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Năm 2015, tàu vũ trụ Cassini của NASA đã phát hiện ra các luồng hơi nước nóng phun ra từ một trong những mặt trăng của sao Thổ - Enceladus và từ đó gần như có thể khẳng định về sự tồn tại của các đại dương lớn bên dưới bề mặt băng giá của mặt trăng này.

Nhà sinh vật học vũ trụ Gael Choblet đến từ trường Đại học Nantes ở Pháp cho hay: “Từ đâu mà Enceladus có một nguồn năng lượng để duy trì hoạt động vẫn còn là một điều bí ẩn.


Băng xuất hiện trong các chùm hơi trên Enceladus.

Băng xuất hiện trong các chùm hơi trên Enceladus.

Nhưng hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu chi tiết hơn để xem liệu cấu trúc và thành phần của phần lõi có cấu tạo đá của mặt trăng Enceladus có đóng vai trò quan trọng gì trong việc tạo ra nguồn năng lượng thiết yếu này hay không”.

Người ta tin rằng, lớp vỏ băng giá bao quanh Enceladus có độ dày trung bình là 25km, nhưng ở nam cực – nơi phát hiện ra các chùm hơi - thì chỉ mỏng có 1 km.

Tàu vũ trụ Cassini đã phát hiện các mảnh khoáng nhỏ trong các chùm hơi, và các nhà nghiên cứu cho rằng đó là muối và bụi silic được hình thành do sự tương tác giữa nước nóng 90 độ C và đá ở ở lõi của Enceladus.


Phần lõi của Enceladus.

Phần lõi của Enceladus.

Để sự tương tác này có thể diễn ra, thì trong phần lõi của mặt trăng này cần phải có nước.

Nhà khoa học Choblet cho rằng: “bất kể loại đá ở lõi này có thành phần như thế nào, thì nó vẫn phải có chứa nước bên trong…có thể 20 – 30 phần trăm là nước.

Nhiệt và năng lượng được tạo ra trong quá trình tương tác này có thể làm cho nước nóng lên nhanh chóng và bị đẩy ra trong các chùm hơi băng.


Minh họa về Enceladus.

Minh họa về Enceladus.

Các nghiên cứu đã thấy rằng sự tương tác giữa nước và đá có thể là do sự phân rã phóng xạ của đá trong lõi của mặt trăng gây ra.

Nếu đúng như vậy thì mức nhiệt độ này đã tồn tại trong hàng triệu năm qua, và nhờ đó sự sống có thể sẽ sinh sôi nảy nở bên dưới bề mặt của Enceladus.

Nhà khoa học Monica Grady - chuyên gia nghiên cứu về các hành tinh cho rằng: “một đại dương ấm áp trải khắp toàn cầu với tuổi đời lên tới hàng tỷ năm sẽ là một nơi rất tuyệt vời cho sự sống phát triển – sự sống trên Trái đất chỉ mất có 640 triệu năm để tiến hóa từ vi sinh vật thành động vật có vú”.

Tuy vậy, cũng thật không may vì có thể Enceladus vẫn còn khá trẻ. Theo một nghiên cứu mới, hệ thống nhiệt của Enceladus có thể đã “được duy trì trong khoảng thời gian từ 10 triệu cho tới 10 tỷ năm”. Nếu mặt trăng này mới chỉ được hình thành khoảng 100 triệu năm trước – thì liệu rằng khoảng thời gian này đã đủ dài để sự sống xuất hiện? Và Nếu Enceladus thực sự là một “bồn tắm” nóng quay quanh sao Thổ với tuổi đời là hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ năm, cùng với các hóa chất phù hợp để sự sống nảy sinh, thì nó sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Ngọc Anh (Tổng hợp)