Mặt trăng cổ đại từng có một bầu khí quyển tạm thời
(Dân trí) - Ngày nay, mặt trăng của Trái Đất không có khí quyển. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy khoảng 3 đến 4 tỷ năm trước, mặt trăng từng có một bầu khí quyển gây chú ý hơn nhiều, khi đó, các vụ phun trào núi lửa đã phun ra những đám mây khí khổng lồ phía trên bề mặt mặt trăng.
Ngày nay, mặt trăng được bao phủ bởi những ngọn núi lửa đã tắt và các “biển” tối, hay những vùng đồng bằng chứa đầy dung nham cứng rắn. Lớp khí quyển trên mặt trăng rất mỏng, mỏng đến nỗi về mặt kỹ thuật nó còn không được coi là khí quyển, mà thay vào đó, nó được coi là “tầng ngoại quyển” với các phân tử bị mặt trăng giữ lại do lực hấp dẫn, nhưng lại quá thưa thớt để hoạt động như một chất khí.
Một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học ở Trung tâm Bay Vũ trụ Marshall của NASA ở Huntsville, Alabama và Viện nghiên cứu Hành tinh và Mặt trăng (LPI) ở Houston cho rằng các núi lửa cổ xưa trên mặt trăng từng tạo ra một bầu khí quyển tạm thời, kéo dài khoảng 70 triệu năm, trước khi tiêu tan vào không gian.
Các nhân viên của LPI cho biết, mẫu vật đá vỏ chai do các phi hành gia trên tàu Apollo thu thập trong những năm 1970 đã cho thấy nham thạch bên dưới bề mặt mặt trăng hàng tỷ năm trước có chứa “các thành phần khí, chẳng hạn như CO, các phần hợp thành nước, lưu huỳnh và các chất dễ bay hơi khác”.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã tính toán lượng khí tăng lên từ các dòng dung nham chảy ra khỏi miệng núi lửa trên mặt trăng. Họ xác định rằng có đủ khí tích tụ trên mặt trăng để tạo thành một bầu khí quyển, và bầu khí quyển này gia tăng nhanh chóng hơn so với lượng bị thoát vào vũ trụ.
Các nhân viên của LPI cho rằng những phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các hoạt động thăm dò mặt trăng trong tương lai, bởi vì phát hiện này “định lượng được một nguồn chất dễ bay hơi trong bầu khí quyển có thể đã bị hút về các khu vực lạnh, vĩnh viễn chìm trong bóng tối ở gần các cực, và do đó có thể cung cấp một nguồn băng phù hợp với chương trình thăm dò mặt trăng bền vững”.
Ngọc Anh (Theo Foxnews)