Mắt đỏ có thể là dấu hiệu nhiễm virus corona
(Dân trí) - Một người phụ nữ đi khám vì thấy mắt đỏ và chảy nước mắt nhiều. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong mắt cũng có virus corona.
Biểu hiện của Covid-19 bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có biểu hiện giống nhau, thậm chí nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng gì.
Virus corona mới oái oăm ở chỗ nó không có nhiều dấu hiệu riêng nào để các chuyên gia y tế có thể chẩn đoán cho bệnh nhân nếu không có kết quả xét nghiệm PCR (xét nghiệm phản ứng khuếch đại gene). Đột ngột mất khứu giác và vị giác là một trong những triệu chứng đặc thù của người mới nhiễm Covid-19, nhưng không phải ai cũng có triệu chứng này.
Ai cũng có thể rơi vào trạng thái lo sợ khi có một biểu hiện thuộc các triệu chứng Covid-19, mà chỉ có xét nghiệm mới khẳng định được điều đó, vì virus có thể nhiễm vào nhiều bộ phận của cơ thể chứ không chỉ vào phổi. Mắt là một trong những nơi virus có thể sinh sôi, khiến cho bạn bị mắt đỏ hoặc hơi đỏ, biểu hiện mà thường chúng ta không nghĩ đó là do Covid-19.
Một y tá ở Kirkland, Washington, Mỹ, cho biết vào cuối tháng 3/2020, tất cả các bệnh nhân mà bà tiếp cận sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona đều có triệu chứng mắt đỏ. Họ gọi hiện tượng này là “mắt bị dị ứng” vì dị ứng cũng khiến cho mắt có biểu hiện tương tự. Các nhân viên y tế ở Canada hồi đầu tháng 3 cũng để ý thấy triệu chứng này ở các bệnh nhân Covid-19. Cụ thể nhất là trường hợp một phụ nữ 29 tuổi, bị viêm giác mạc phồng nước, và không có triệu chứng gì rõ ràng của Covid-19. Trường hợp này sau đó đã được đề cập trong nghiên cứu đăng trên Tập san Nhãn khoa Canada.
Người phụ nữ này đã đến Philippines trong vòng 1 tháng, sau đó đến San Francisco, Mỹ 1 ngày, rồi quay về Canada vào ngày 29/2/2020. Sau một ngày có biểu hiện viêm kết mạc (mắt đỏ, chảy nước mắt nhiều, chói mắt), cô đã đến gặp bác sĩ. Ngoài các triệu chứng trên, cô còn chảy nước mũi, ngạt mũi và ho. Đây là những biểu hiện có thể gặp ở người mắc Covid-19. Cô không bị sốt, nhưng có lẽ là do cô đã tự uống thuốc điều trị triệu chứng. Cô đã đi khám lại nhiều lần vào đầu tháng 3 do các triệu chứng ở mắt ngày càng nặng hơn. Bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm giác mạc phồng nước, một bệnh lý mắt phức tạp.
Khi bị bệnh này, cả giác mạc và kết mạc đều bị viêm. Dù chỉ viêm 1 trong hai phần thì mắt đều bị đỏ. Dưới đây là hình ảnh mắt của bệnh nhân đó, chụp trước khi cô đi khám lần thứ hai vào ngày 5/3.
Thị lực của cô không bị suy giảm sau 2 lần khám đầu tiên, nhưng sau ngày 5/3, cô thấy mắt bắt đầu nhìn kém đi. Bác sĩ kiểm tra kỹ hơn thì thấy cô còn bị tổn thương biểu mô và tiếp tục kê đơn thuốc điều trị cho mắt. Theo quy định về điều kiện xét nghiệm Covid-19 khi đó ở Canada thì cô chưa thuộc diện phải xét nghiệm, nhưng các bác sĩ đã lấy mẫu dịch ở mắt của cô để xét nghiệm xem có vi khuẩn chlamydia, gonorrhea hay không. Kết quả xét nghiệm âm tính với các vi khuẩn này, nhưng sau đó xét nghiệm thêm thì phát hiện ra có virus corona mới.
Ngày 6/3, quy định về xét nghiệm Covid-19 ở Canada thay đổi và cô thuộc diện phải xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm PCR của cô vào ngày 8/3 khẳng định cô đã nhiễm virus corona mới. Sau đó xét nghiệm lại với mẫu bệnh phẩm lấy từ mắt cũng khẳng định cô có virus corona trong phần tổn thương ở mắt.
Trong bài nghiên cứu đã công bố, các chuyên gia viết rằng “với kiến thức chuyên môn của mình, chúng tôi đánh giá đây là trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 với triệu chứng điển hình nhất là viêm giác mạc phồng nước”.
Trước đó bệnh nhân không hề có biểu hiện viêm kết mạc đơn thuần như nhiều ca Covid-19 khác, mà lại bị viêm giác mạc phồng nước. Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân và lý do tái khám nhiều lần chỉ là mắt đỏ và chảy nước mắt nhiều. Nếu bạn gặp các vấn đề tương tự thì nên nghĩ đến khả năng đã nhiễm virus corona mới.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân có các biểu hiện như trên thì cần lưu ý mắt đỏ cũng có thể là một biểu hiện của Covid-19. Các bác sĩ đã trình bày trong bài nghiên cứu như sau: “những bệnh nhân bị mắt đỏ, có triệu chứng đường hô hấp như ho, thở ngắn, và gần đây có đi đến những vùng dịch, thì có nguy cơ cao là bị Covid-19.
Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng như vậy, nhân viên y tế cần chú ý bảo vệ miệng và mắt nếu có nguy cơ tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân”. Trong trường hợp cụ thể của người bệnh 29 tuổi nói trên, 5 bác sĩ và 3 nhân viên y tế đã phải tự cách ly 14 ngày sau khi điều trị cho người bệnh đó.